Người du mục Maroc đang phải chiến đấu để tồn tại do biến đổi khí hậu

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 16:05, 06/10/2022

Biến đổi khí hậu đã khiến những người dân Maroc theo lối sống du mục đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, hạn hán, thiếu nước… Họ phải chiến đấu với thiên nhiên để có thể sống sót.
Người du mục Maroc đang phải chiến đấu để tồn tại do biến đổi khí hậu - 1
Trại của những người du mục cuối cùng của Maroc, gần làng Amellagou vào ngày 2/9/2022 (Ảnh: AFP).

Hàng ngàn năm qua, một bộ phận người dân tại Maroc theo lối sống du mục - dịch chuyển nơi ở theo mùa. Do hậu quả của biến đổi khí hậu, giờ đây các đồng cỏ chăn nuôi đang có xu hướng biến mất.

Moha Ouchaali, 50 tuổi, một trong những người du mục cuối cùng đang ở miền Nam Maroc cho biết: "Mọi thứ đã thay đổi, tôi không nhận ra mình trong thế giới ngày nay. Ngay cả mẹ thiên nhiên cũng đang quay lưng lại với chúng ta".

Những người du mục ở đây đang phải đấu tranh để tồn tại trong điều kiện khí hậu và xã hội khắc nghiệt. Gia đình của Moha Ouchaali phải di cư đến một vùng đất khác, không có cư dân sinh sống để có thể tìm kiếm nơi có đủ điều kiện để sinh tồn và chăn nuôi gia súc.

Một người du mục trong bộ tộc Amazigh (Berber), Aït Aïssa Izem than thở: "Nước khan hiếm, nhiệt độ tăng cao, hạn hán hoành hành và chúng tôi không thể làm được công việc gì nhiều".

Người du mục Maroc đang phải chiến đấu để tồn tại do biến đổi khí hậu - 2
Số lượng người du mục Maroc đang ngày càng giảm (Ảnh chụp màn hình).

Theo một cuộc điều tra dân số được công bố gần đây nhất là vào năm 2014 tại quốc gia này, dân du mục chỉ còn khoảng 25.000 người so với gần 70.000 người vào năm 2004, giảm ⅔ trong 10 năm.

Đặc biệt, năm nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Maroc đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ qua.

Theo Bộ Nông nghiệp Maroc, tình hình sẽ càng trở nên phức tạp cho đến năm 2050, tác động của sự nóng lên toàn cầu sẽ khiến lượng mưa giảm (khoảng -11%) đi cùng với đó là sự gia tăng nhiệt độ hàng năm, +1,3 độ C.

Điều này khiến cuộc sống của những người du mục gặp nhiều khó khăn hơn.

Nhà nhân chủng học Ahmed Skounti, Viện Khoa học Di sản và Khảo cổ học quốc gia Maroc nhấn mạnh: "Những người du mục luôn được coi là "nhiệt kế" của biến đổi khí hậu. Nếu họ phải sống trong điều kiện khắc nghiệt, nó giống như một lời cảnh báo môi trường sống của chúng ta trong tương lai, con người không thể chống lại cường độ nóng lên toàn cầu".

"Sự cạn kiệt nguồn nước là chiếc đinh cuối cùng chờ đóng lên những chiếc quan tài của người du mục", nhà nhân chủng học này khẳng định.

Cuộc sống bị đảo lộn vì biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu lần đầu tiên đã làm cuộc sống của những người dân du mục ở Maroc bị đảo lộn.

Thông thường, Aït Aïssa Izem cùng gia đình dành mùa hè ở thung lũng miền núi Imilchil vì ở đó mát hơn và môi trường xung quanh ôn hòa phù hợp chăn nuôi gia súc, song giờ gia đình họ phải di chuyển để tìm kiếm những nơi ở khác.

Sự khan hiếm nước thậm chí còn buộc một số người du mục phải vay nợ để có tiền chăn nuôi gia súc, nguồn thu nhập chính của họ.

Ahmed Assni, 37 tuổi, người dân du mục chia sẻ: "Tôi phải đi vay nợ để mua thức ăn cho gia súc của mình để chúng không bị chết đói."

Mặt khác, cuộc sống du mục đã không còn hấp dẫn với những người trẻ - là con của cộng đồng dân cư này.

Houda Ouchaâli, 19 tuổi, con gái của một gia đình du mục thừa nhận "ghét" chủ nghĩa du mục vì cô ấy không thể chịu đựng được khi chứng kiến cha mẹ của mình phải đau khổ, chiến đấu để tồn tại. Song việc khép lại trang sử này dường như trở nên quá phức tạp.

Có thể thấy rằng, hậu quả của biến đổi khí hậu ngày càng biểu hiện rõ trong cuộc sống của chúng ta, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt, hạn hán, các cơn bão mang sức mạnh tàn phá hơn, kéo theo lũ lụt hoành hành.

Thế giới cần chung tay để giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu, để tránh được những thiệt hại lâu dài về kinh tế, xã hội và con người.

Nam Đoàn