Điểm tin kinh doanh 6/10: Hàng loạt app giao dịch chứng khoán bị đưa vào ‘danh sách đen’
Kinh doanh - Ngày đăng : 07:00, 06/10/2022
- Hàng loạt app giao dịch chứng khoán bị đưa vào ‘danh sách đen’
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa phát thông tin cảnh báo về hàng loạt website và app giao dịch có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán nhưng chưa được cấp phép.
Theo UBCKNN, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các app giao dịch như: Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF… Các app giao dịch này đã sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Hoạt động này có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư CK mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về CK. NĐT có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về CK bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Do vậy, UBCKNN khuyến cáo NĐT thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư CK trên các app giao dịch này. NĐT tự chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.
- Xuất khẩu rau quả giảm 11,1% trong 9 tháng đầu năm 2022
Trong 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước tính đạt 2,45 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong tháng 9/2022 đạt 250 triệu USD, tăng 8,1% so với tháng 9/2021. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước tính đạt 2,45 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu trong 8 tháng năm 2022, chủng loại quả dẫn đầu về trị giá xuất khẩu đạt 1,36 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, trong khi quả thanh long xuất khẩu với trị giá lớn nhất giảm mạnh, thì xuất khẩu quả chuối và sầu riêng có trị giá tăng mạnh trong 8 tháng năm 2022. Sản phẩm chế biến là chủng loại lớn thứ 2 trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu.
- Central Retail tổ chức “Ngày không túi nilon” tại Hà Nội
Ngày 5/10/2022, tại siêu thị Tops Market The Garden (Hà Nội), diễn ra sự kiện “Ngày không túi nilon”, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức người tiêu dùng cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Tham gia “Ngày không túi nilon” tại Tops Market The Garden, người tiêu dùng được tặng 01 túi Lohas (loại túi sử dụng nhiều lần) cho hóa đơn mua sắm từ 500 ngàn đồng trở lên; với đơn hàng dưới 500 ngàn đồng, khách hàng có thể chọn mua túi Lohas với giá bán không lợi nhuận, hoặc được siêu thị hỗ trợ gói hàng miễn phí bằng thùng giấy carton nhằm thực hiện hiệu quả, thực chất “Ngày không túi nilon”.
Dịp này, người tiêu dùng cũng được trải nghiệm mua sắm không túi nilon với các sản phẩm rau bọc lá chuối, rau bọc giấy, khay làm từ bã mía, thưởng lãm các mô hình trang trí bắt mắt, thân thiện môi trường.
- Gạo ST24 và ST25 chính thức được bảo hộ nhãn hiệu tại Australia
Cục Sở hữu trí tuệ Australia (IP Australia) đã cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua (Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí) và có giá trị trong 10 năm.
Theo luật nhãn hiệu của Australia, nhãn hiệu sẽ chính thức có hiệu lực 10 năm tính từ ngày nộp đơn đăng ký. Do đó, dù IP Australia cấp văn bằng bảo hộ từ ngày 27/9/2022, nhưng gạo ST24 và ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua đăng ký tại Australia sẽ có hiệu lực từ ngày 7/6/2021 đến 7/6/2031. Sau khi hết hiệu lực, chủ đơn vẫn có thể gia hạn thêm 10 năm nữa mà không giới hạn số lần gia hạn.
- Tín dụng tại TP. HCM tăng 12% trong 9 tháng, nhu cầu thời vụ cuối năm rất cao
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. HCM, tính đến cuối tháng 9/2022, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP. HCM dự ước tăng 12% so với cuối năm 2021.
Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ tín dụng tại TP. HCM trong 9 tháng đầu năm tăng mạnh nhờ sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của thành phố. Tăng trưởng tín dụng gắn liền với đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn ở nhiều lĩnh vực.
Các lĩnh vực tăng trưởng tốt như cho vay ngoại tệ (chủ yếu cho lĩnh vực xuất nhập khẩu) đạt 205.000 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2021; cho vay khu công nghiệp- khu chế xuất đạt 224.203 tỷ đồng, tăng 14,67%; cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên đạt khoảng 200.000 tỷ đồng, tăng 4%...
Cùng kỳ năm trước, dư nợ tín dụng tăng 4,97%; cùng kỳ năm 2020 tăng 4,99% và cùng kỳ năm 2019 tăng 10,2%.