Ngân hàng vào cuộc đua lãi suất, đã tới lúc dồn tiền gửi tiết kiệm ?
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 15:14, 05/10/2022
Lãi suất tăng vọt
Xu hướng tăng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục diễn ra. Sau khi 4 "ông lớn" ngân hàng thương mại Nhà nước tăng lãi suất vào cuối tháng 9 thì đến đầu tháng 10, các nhà băng nhỏ hơn chính thức nhập cuộc đua.
Ngày 3/10, Ngân hàng TMCP Bản Việt đã triển khai sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên đến 8,4%/năm, cho kỳ hạn 18 tháng. Các kỳ hạn ngắn hơn, như 6 tháng thì lãi suất hưởng 7,5%/năm, 9 tháng hưởng 7,8%/năm.
Ngân hàng số Cake by VPBank cũng thông báo tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất tới 8,2%/năm ở kỳ hạn 36 tháng, dành cho khách hàng gửi từ 300 triệu đồng trở lên; Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) ra chương trình tiết kiệm online đặc biệt kỳ hạn 12 tháng có lãi suất 8%/năm.
Trong khi đó, một số ngân hàng đã nâng lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên mức trên 7%/năm. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) nâng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng gửi tại quầy và online lần lượt là 7,2%/năm và 7,25%/năm.
So với đầu năm 2022, lãi suất tiết kiệm có mức tăng phổ biến là 1%/năm. Đặc biệt, với kỳ hạn dài, các ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động nhằm cơ cấu lại nguồn vốn.
Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng tăng lãi suất huy động chưa dừng lại. Bởi theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến 20/9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt tới 10,54%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng huy động vốn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, các ngân hàng gần như phải tính đến tiếp tục tăng lãi suất để tăng huy động vốn.
Một số ý kiến nhận định, hiện cuộc đua lãi suất mới chỉ bắt đầu, còn nhiều ngân hàng TMCP vẫn giữ lãi suất huy động mức 6,5%/năm với kỳ hạn 6 tháng, 6,9%/năm với kỳ hạn 9 tháng và 7,1%/năm với kỳ hạn 12 tháng...
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục tăng từ nay tới cuối năm.
Thời gian tới, do cạnh tranh về huy động tiền gửi sẽ phải nâng lãi suất lên, nhất là với những ngân hàng TMCP nhỏ có thanh khoản yếu. Hơn nữa, áp lực lạm phát buộc các ngân hàng phải nâng lãi suất huy động lên mới có thể thu hút được tiền gửi.
Dồn tiền gửi tiết kiệm
Công ty Chứng khoán Vietcombank dự báo, lãi suất huy động vẫn đang chịu áp lực tăng. Mặt bằng lãi suất huy động năm 2022 có thể cao hơn từ 1,5-2%/năm so với cuối năm 2021. Còn Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, nếu bám sát vào kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất trong năm 2023 thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ tăng lãi suất điều hành. Các ngân hàng thương mãi sẽ đẩy lãi suất huy động tăng lên.
Hiện khách hàng có nhiều lựa chọn gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao. Có thể chọn gửi tiết kiệm online với lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất này tương đương với chứng chỉ tiền gửi do một số ngân hàng phát hành kỳ hạn 12 tháng, nhưng linh hoạt hơn và đây là mức lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng hiện nay.
Cách đây 3 tháng, để được hưởng lãi suất tiết kiệm 7%/năm chỉ có ở kỳ hạn trên 12 tháng, nhưng nay khách hàng có thể được hưởng mức lãi suất này khi gửi tiền với kỳ hạn 6 tháng ở một số ngân hàng.
Nếu có tiền nhàn rỗi, chưa có kế hoạch sử dụng trong thời gian dài, có thể mua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 18 tháng để hưởng lãi 8,4%/năm.
Không những thế, một số ngân hàng còn đẩy mạnh chương trình khuyến mãi như tặng quà, tặng tiền, cộng thêm lãi suất… Với chỉ số lạm phát (CPI) 9 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 2,73%, thì gửi tiết kiệm hưởng lãi suất thực dương cao, đang trở nên rất hấp dẫn.
Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng, khách hàng gửi tiết kiệm nên cân nhắc. Nếu gửi kỳ hạn dài 12-18 tháng, với lãi suất cố định từ 8- 8,4%/năm mà thời gian tới lạm phát tăng cao thì lãi suất thực dương được hưởng chưa chắc đã cao. Một số lời khuyên cho rằng, trong hoàn cảnh hiện nay, nên gửi kỳ ngắn 6 tháng với lãi suất 7%/năm là hợp lý, bởi 6 tháng nữa lạm phát tăng, lãi suất huy động tăng, khi đó cũng đến thời điểm đáo hạn thì sẽ có thêm những lựa chọn để gửi tiết kiệm tốt hơn.