Đề xuất biểu giá điện sinh hoạt mới: Giá thấp nhất 1.678 đồng, cao nhất 3.356 đồng/kWh

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 10:19, 05/10/2022

Bộ Công Thương vừa gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến biểu giá bán lẻ điện mới. Đối với giá điện sinh hoạt, Đề án thay đổi theo hướng rút gọn từ 6 bậc còn 5 bậc. Bậc 1 từ 100kWh còn bậc 5 từ 701kWh trở lên.

Những thay đổi quan trọng

Tại Đề án phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện vừa được Bộ Công Thương gửi lấy ý kiến, tư vấn là Công ty TNHH MTV Tư vấn và Chuyển giao công nghệ Bách Khoa đã có những đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hiện hành. Trong đó có nội dung về biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.

Đối với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, đề án phân tích các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện gồm 1 bậc (giá sinh hoạt động giá), 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc.

Theo phân tích của đơn vị tư vấn tại Đề án, phương án đồng giá (1 bậc) không áp dụng được trên thực tế nhìn vào các mục tiêu định giá: chính sách xã hội, phản ánh chi phí cung ứng, sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.

Phương án điện sinh hoạt 5 bậc được đơn vị tư vấn ưu tiên

Sau khi phân tích ưu nhược của các phương án biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, đơn vị tư vấn đề xuất áp dụng phương án 5 bậc. Cụ thể:

Bậc 1: cho 0-100 kWh đầu tiên, giá điện mới là 1.753 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 1.678-1.734 đồng/kWh)

Bậc 2: cho kWh từ 101-200, giá điện mới đề xuất là 2.014 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.014 đồng/kWh )

Bậc 3: cho kWh từ 201-400, giá điện mới đề xuất là 2.424 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.536-2.834 đồng/kWh)

Bậc 4: cho kWh từ 401-700, giá điện mới đề xuất là 2.871 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.927 đồng/kWh)

Bậc 5: cho kWh từ 701 trở lên, giá điện mới đề xuất là 3.076 đồng/kWh (giá đang áp dụng là 2.927 đồng/kWh)

Phương án này giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401-700 kWh và trên 700kWh.

Giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101-200 kWh và 201-300 kWh.

Giá điện cho các bậc từ 401-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Ưu điểm của phương án rút từ 6 bậc còn 5 bậc, theo đánh giá của đơn vị tư vấn, là đơn giản, số bậc giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 3 bậc. Biến động chi phí tiền điện giữa các nhóm hộ sẽ ít hơn vì số bậc giảm.

Nhược điểm là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ dưới 270 kWh/tháng tăng thêm bình quân khoảng 2,32% (mức tăng tối đa là 4,47%) so với tiền điện hiện hành. Các hộ có mức sử dụng từ 280 kWh đến 1.100 kWh có mức giảm tiền điện bình quân khoảng 2,47% (mức giảm tối đa là 4,82%). Các hộ có mức sử dụng từ 1.100 kWh trở lên có mức tăng tiền điện bình quân khoảng 3,87% (mức tăng tối đa là 4,63%).

Ngoài ra, số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng 42 tỷ đồng/năm (tính theo số hộ nghèo, hộ chính sách xã hội năm 2020 là 1.546.540 hộ) do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án để chọn

Trên cơ sở ý kiến của đơn vị tư vấn, Bộ Công Thương đánh giá đề án được xây dựng trên cơ sở phương pháp luận về tính giá điện phản ánh chi phí, phương pháp phân bổ chi phí đến từng nhóm khách hàng sử dụng điện nên đã dần xóa được việc bù chéo giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện...

Bộ thống nhất với kiến nghị của đơn vị tư vấn tại đề án là không xem xét Phương án giá sinh hoạt đồng giá trong các phân tích lựa chọn biểu giá bán lẻ điện.

Trên cơ sở phân tích ý kiến của tư vấn, Bộ Công Thương đề xuất phương án biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc và 4 bậc.

Phương án 1: Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo hướng rút ngắn từ 6 bậc xuống 5 bậc như theo đề xuất của EVN và Tư vấn tại Công văn số 404/EVN-TCKT nhưng có thay đổi về cơ cấu tỷ trọng so với giá bán lẻ điện bình quân, cụ thể:

+ Bậc 1: cho 100 kWh đầu tiên

+ Bậc 2: cho kWh từ 101-200

+ Bậc 3: cho kWh từ 201-400

+ Bậc 4: cho kWh từ 401-700

+ Bậc 5: cho kWh từ 701 trở lên

Trên cơ sở thiết kế các bậc nêu trên, giá điện cho từng bậc được Bộ Công Thương thiết kế lại. Cụ thể:

Bộ muốn giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ). Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 401-700 kWh và trên 700kWh.

Giữ nguyên giá điện hiện hành cho các bậc từ 101-200 kWh và 201-300 kWh. .

Giá điện cho các bậc từ 401-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Phương án 5 bậc được Bộ Công Thương thiết kế

Ưu điểm của phương án này, theo Bộ Công Thương là đơn giản, người dân dễ hiểu do giảm từ 6 bậc như cơ cấu biểu giá điện hiện nay xuống còn 5 bậc giá điện. Nhược điểm là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm.

Phương án 2, Bộ Công Thương đề xuất cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo hướng rút ngắn từ 6 bậc xuống 4 bậc như theo đề xuất của EVN và Tư vấn, cụ thể:

+ Bậc 1: cho 100 kWh đầu tiên

+ Bậc 2: cho kWh từ 101-300

+ Bậc 4: cho kWh từ 301-700

+ Bậc 5: cho kWh từ 701 trở lên

Phương án 4 bậc

Cụ thể, giữ nguyên giá điện hiện hành cho bậc đầu từ 0-100 kWh nhằm đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ), ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi. Phần chênh lệch giảm doanh thu tiền điện được bù đắp từ hộ sử dụng điện từ 100-200 kWh; 301-400 kWh và trên 700kWh. Giá điện cho các bậc từ 101-700 kWh và từ 700 kWh trở lên được thiết kế nhằm bù trừ doanh thu cho các bậc thấp.

Ưu điểm của phương án này, theo Bộ Công Thương, là đơn giản trong áp dụng, tạo điều kiện cho đơn vị điện lực trong việc quản lý, tính toán hóa đơn tiền điện, phù hợp với xu thế cải tiến cơ cấu biểu giá điện cho sinh hoạt tại một số nước trong khu vực.

Việc phân chia giảm bớt 1 bậc so với Phương án 5 bậc nêu trên sẽ làm giảm bớt một phần tác động tăng tiền điện trong các tháng chuyển mùa với phần lớn các hộ sử dụng điện nằm trong dải sử dụng từ 100-300 kWh.

Phân tích nhược điểm so với phương án 5 bậc nêu trên thì Bộ Công Thương cho rằng: Phương án 4 bậc sẽ làm tăng tiền điện phải trả đối với các hộ có mức sử dụng từ 119-232 kWh/tháng và các hộ có mức sử dụng trên 806 kWh/tháng. Tuy nhiên, theo đánh giá sơ bộ thì tác động tăng tiền điện đối với các hộ có mức sử dụng từ 119-232 kWh/tháng là không lớn với mức tiền điện tăng thêm chỉ tối đa chỉ 12.100 đồng/tháng/hộ, tương ứng mức tăng tiền điện là 3,25%.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cho rằng phương án 4 bậc sẽ có tác dụng thấp hơn trong việc khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả so với phương án 5 bậc.