Giải khát bằng nước ngọt, cơ hội cho bệnh đái tháo đường tấn công

Tin Y tế - Ngày đăng : 17:13, 04/10/2022

Giữ thói quen uống quá nhiều nước ngọt, nhiều thanh niên trẻ nhập viện trong tình trạng hôn mê, bất tỉnh, trong đó nhiều người còn phát hiện đã mắc đái tháo đường.
20190228_112215_527924_nuoc-ngot.max-1800x1800.jpg
Uống nhiều nước ngọt khiến đái tháo đường trẻ hóa - Ảnh: Internet

Hôn mê vì uống quá nhiều nước ngọt

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết đã điều trị ổn định cho một bé gái 13 tuổi bị đái tháo đường và biến chứng đái tháo đường vì có thói quen uống rất nhiều nước ngọt.

Theo lời kể gia đình, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, em gái này có dịp cùng gia đình được về Cà Mau thăm họ hàng. Trong những cuộc vui xuân, em uống 3-4 chai nước ngọt 1,5 lít/ngày.

Dù người lớn dặn dò, răn đe nhưng không thể kiểm soát việc bé uống nước ngọt. Cho đến sau Tết, em bắt đầu bị các biến chứng đái tháo đường khi hay than mệt, khát nước, tiểu nhiều và sụt 10kg trong 3 ngày.

Tuy vậy, mỗi khi mệt, em vẫn uống nước ngọt. Điểm đỉnh trong ngày trở nặng, em uống gần hết cả một thùng trà xanh. Sau đó còn uống thêm 5 bịch cà phê gói và 2 trái dừa tươi nhưng cơ thể càng mệt.

Vài ngày sau, em nằm vật vã rồi rơi vào trạng thái lơ mơ. Người nhà đưa em vào bệnh viện địa phương cấp cứu, kết quả xét nghiệm đã ra toan ceton trong máu nhiều do bệnh đái tháo đường.

Cùng với đó, thời điểm này đường huyết của em hơn 1.500mg/dl - đây là con số "khủng hoảng", sẵn sàng gây biến chứng hôn mê và nhiễm trùng khó lường. Em được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố lúc nửa đêm trong tình trạng lơ mơ, sốc mất nước nặng, da khô héo và tái nhợt.

Sau hai ngày hôn mê, nằm nhịn ăn và được bác sĩ cấp cứu cân chỉnh đường huyết tích cực bằng nhiều loại dịch truyền, thuốc insulin tiêm đặc trị đái tháo đường; bệnh nhi giảm gần 15kg và đã tỉnh dậy, ân hận với thói quen uống nước ngọt gây hại sức khỏe của mình.

Trước đó, anh N.T.T (27 tuổi, Bình Dương), nặng 85 kg bị đái tháo đường tuýp 2, nghĩ bản thân còn trẻ, còn khỏe nên uống thuốc không đều đặn, thường xuyên uống nước ngọt, bia, rượu, không kiêng khem bất kỳ món ăn nào.

Gần đây, anh liên tục khát nước, tiểu nhiều, người mệt mỏi. Để giải tỏa cơn khát, anh uống nhiều nước ngọt, càng uống càng thấy lã người… dẫn đến hôn mê, nhập viện cấp cứu.

Ngay lập tức, bệnh nhân được truyền dịch bồi hoàn nước điện giải và truyền insuline liên tục điều chỉnh đường huyết, đồng thời thực hiện các xét nghiệm phân tích khí máu động mạch (pH), toan ceton để đưa ra hướng điều trị phù hợp, sớm cứu người bệnh thoát khỏi nguy kịch.

bien-chung-dai-thao-duong-161760778988364744706.jpeg
Bệnh nhân đái tháo đường đang được các bác sĩ điều trị - Ảnh: Internet

Đái tháo đường trẻ hóa

Các bác sĩ cho biết bệnh đái tháo đường ngày càng tăng trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đặc biệt là đái tháo đường tuýp 2 ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng: Ăn nhiều thức ăn nhanh, các sản phẩm chứa nhiều carbohydrat (nước ngọt có ga, nước uống đóng chai…) và lối sống ít vận động làm tăng tỷ lệ người mắc béo phì cũng như các bệnh rối loạn chuyển hóa.

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống cũng như sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Người bệnh đái tháo đường phải điều trị bằng thuốc để kiểm soát đường huyết và thực hiện chế độ ăn uống cân bằng.

Trong khi đó, ở độ tuổi thanh niên, do đặc thù công việc cũng như tâm sinh lý, chế độ ăn khó kiểm soát ở mức cân bằng cũng như sử dụng thuốc đều đặn. Điều này dẫn đến các biến chứng cấp tính: Tăng áp lực thẩm thấu máu, nhiễm toan ceton… đối mặt với tử vong như trường hợp của anh Tuấn.

Ngoài ra, nếu người bệnh không kiểm soát đường huyết trong thời gian dài có thể mắc các biến chứng mãn tính: Xơ vữa mạch máu và tai biến mạch máu não (biến chứng mạch máu não), thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim (biến chứng mạch máu tim), nhiễm trùng và hoại tử chân (biến chứng mạch máu lớn ở chi), tổn thương võng mạc, tổn thương thận…

Bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương - Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - cho biết thống kê tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng một cách nhanh chóng trong tất cả các tỉnh thành trong toàn quốc, số bệnh nhân tăng gấp đôi trong vòng 10 năm. Dự đoán đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên chiếm 7.7% tổng dân số.

Bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý làm gia tăng béo phì, rối loạn chuyển hóa. Đặc biệt, bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ 9 - 13 tuổi và thanh niên 20 - dưới 30 tuổi.

Theo các bác sĩ, đái tháo đường nếu không được điều trị đúng cách, đường máu kiểm soát tốt sẽ dẫn đến các biến chứng cấp và mạn tính, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và gia tăng tỉ lệ tử vong. Tuy nhiên, bệnh đái tháo đường type 2 có thể dự phòng và ngăn chặn được.

Để phòng chống bệnh đái tháo đường, cần tầm soát trên những đối tượng có yếu tố nguy cơ và chủ động phòng ngừa các bệnh thông qua hoạt động thể chất thường xuyên, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, khoa học và duy trì môi trường sống lành mạnh.

ANH ĐÀO