Mỹ, EU chia sẻ thông tin vũ trụ, Trung Quốc ngần ngừ

Tin thế giới - Ngày đăng : 15:30, 04/10/2022

Việc thiết lập thỏa thuận giữa các quốc gia về quản lý giao thông vũ trụ (STM) trong một môi trường ngày càng đông đúc là cần thiết, nhưng không dễ thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng quân sự đang gia tăng trong không gian.

Các chuyên gia và quan chức Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhận định như vậy tại hội nghị giám sát không gian (AMOS) diễn ra ở Hawaii, Mỹ tuần trước.

Ông Rodolphe Muñoz, một quan chức của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Không gian của Ủy ban châu Âu, phát biểu: “Nếu bạn nói về STM và chỉ nhìn vào hệ thống của riêng mình, thì điều đó là vô ích”.

Các chuyên gia, quan chức chính phủ của châu Âu và Mỹ cho biết, để giao thông trong vũ trụ được thông suốt, hiệu quả, 27 quốc gia EU và Mỹ đang trao đổi thông tin về các hoạt động hiện tại và kế hoạch của họ ở mức độ ngày càng lớn hơn, cả ở cấp độ song phương và đa phương.

“Chúng tôi đang tương tác trên phạm vi quốc tế. Cụ thể, chúng tôi đang cộng tác với các đồng nghiệp của mình tại Hội Không gian, giám sát và theo dõi châu Âu”, giám đốc Văn phòng Thương mại Không gian của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) của Mỹ, ông Richard DalBello, phát biểu tại AMOS.

Hội Không gian, giám sát và theo dõi châu Âu được thành lập để tăng cường chia sẻ dữ liệu không gian dân sự và quân sự giữa các nhà khai thác không gian châu Âu. Hội được thành lập năm 2015 bởi Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh. Ba Lan, Bồ Đào Nha và Romania gia nhập năm 2018.

Ông Pascal Faucher, chủ tịch Cơ quan Giám sát và theo dõi không gian của EU, người phụ trách lĩnh vực an ninh-quốc phòng tại Cơ quan Vũ trụ Pháp (CNES), cho biết, Hội đang tăng số lượng thành viên và được hỗ trợ về mặt ngân sách.

“Chúng tôi là một thành phần chính thức của chương trình không gian của EU. Vì vậy, chúng tôi có một dòng ngân sách dành riêng, rất thoải mái. Và chúng tôi đang mở rộng để hướng tới mối quan hệ đối tác mới của 15 quốc gia thành viên EU”, ông Faucher nói.

vu-tru-3000.png
Khái niệm mạng thông tin liên lạc toàn cầu. Ảnh: NASA/Getty Images.

Phản ứng của Trung Quốc

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, ngay cả trao đổi thông tin đơn giản ở cấp độ đa phương rộng hơn cũng có thể là một nhiệm vụ khó khăn. Một số quốc gia miễn cưỡng tham gia.

Ông DalBello nói rằng, Trung Quốc không muốn nói trực tiếp về những lo ngại của họ về STM hoặc không muốn hồi đáp những quan ngại của quân đội Mỹ về các hoạt động của tàu vũ trụ Trung Quốc, như đến gần các vệ tinh Mỹ, thử nghiệm tàu ​​kéo không gian…

“Tôi nghĩ vấn đề quốc tế lớn nhất của chúng ta là không tham gia đối thoại. Chúng ta có một vấn đề, như mọi người ở đây đều biết. Với Trung Quốc, đơn giản là họ không chia sẻ thông tin. Và chúng ta không thể hoạt động trong không gian một cách an toàn nếu một tay chơi lớn không tích cực tham gia và chia sẻ thông tin theo cách tăng cường an toàn cho tất cả mọi người”, ông DalBello nói.

Trung Quốc và Mỹ đã vướng vào một cuộc tranh cãi ngoại giao về những cáo buộc của Bắc Kinh rằng các vệ tinh Starlink của công ty Mỹ SpaceX đã gây nguy hiểm cho trạm vũ trụ của Trung Quốc. Trong khi đó, Washington bày tỏ lo ngại rằng, Bắc Kinh đã từ chối các hoạt động trao đổi thông tin với Mỹ trong gần một thập kỷ.

Hồi tháng 2, Trung Quốc tuyên bố, họ sẽ sẵn sàng đối thoại song phương về các vấn đề liên quan STM. Nhưng điều này dường như chưa xảy ra trong thực tế.

ve-tinh-3987.jpg
60 vệ tinh Starlink xếp chồng lên nhau trước khi được triển khai ngày 24/5/2019. Ảnh: SpaceX.

“Đây là một nỗ lực toàn cầu. Chúng ta phải có khả năng làm việc với mọi người ngay cả khi chúng ta không đồng ý với họ về các vấn đề khác”, ông DalBello nói.