Vụ việc 4 bác sĩ đi làm thêm xuyên tỉnh: "Cực chẳng đã mới phải vậy"

Tin Y tế - Ngày đăng : 21:07, 03/10/2022

Vụ việc 4 bác sĩ ở TPHCM đi làm thêm xuyên tỉnh ở phòng khám tư do khó khăn về kinh tế đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người đặt ra câu hỏi: "Khi những điều kiện cơ bản nhất không được đáp ứng, nỗi lo cơm áo gạo tiền bủa vây thì tâm trí đâu để tập trung chuyên môn, để cống hiến cho bệnh viện?"
Vụ việc 4 bác sĩ đi làm thêm xuyên tỉnh:
4 bác sĩ ở TPHCM đi làm thêm xuyên tỉnh vì lý do kinh tế khó khăn. Ảnh: LĐO

Đáng thương hơn đáng trách

Theo dõi sự việc từ những ngày đầu, bác sĩ Võ Hùng, đang công tác tại một bệnh viện đa khoa khu vực Tây Nguyên cho biết, đây là giọt nước làm tràn ly, chứ không phải cá biệt.

"4 bác sĩ trong vụ việc nói trên đúng là đã sai về lý nhưng có phần đáng thương hơn đáng trách. Thử hỏi với đồng lương ít ỏi như hiện nay thì các y bác sĩ làm sao đủ trang trải cuộc sống, chưa kể họ còn có những khó khăn riêng.

Là người làm trong ngành nên tôi rất hiểu và thông cảm. Đi làm ở bệnh viện công đã đủ mệt mỏi và áp lực, lại lao đi làm ở một tỉnh khác chắc chắn không nhàn hạ sung sướng gì. Có thể cuộc sống họ đang gặp khó khăn nên tìm cách làm thêm tại các phòng khám tư để tăng thu nhập" - bác sĩ Hùng nói.

Vị bác sĩ này cũng cho rằng, trước khi lên tiếng chỉ trích, chúng ta nên tìm ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục. Trong khi đó, chính 4 bác sĩ đã nêu lý do cho việc làm sai phạm là do khó khăn về kinh tế. 

"Để hạn chế, thậm chí là chấm dứt tình trạng này chỉ còn cách tăng thu nhập, trả phúc lợi tương xứng với năng lực, trình độ" - bác sĩ Hùng nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, bác sĩ Đức Long - công tác tại một bệnh viện đa khoa tuyến huyện khu vực phía Bắc cho rằng: "Hiện cả 4 bác sĩ đều đồng ý nhận kiểm điểm và hình thức kỷ luật theo quy định. Đây cũng là một hình phạt thoả đáng nên dư luận cũng không nên khắt khe, gay gắt quá” - bác sĩ Long nêu ý kiến.

Vị bác sĩ này cũng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên mà nguyên nhân chính là đời sống kinh tế khó khăn, nhân viên y tế mong muốn tăng thu nhập.

"Tôi vô cùng đồng cảm bởi những áp lực về kinh tế, thời gian, sức khỏe... của các nhân viên y tế không phải ai cũng trải qua và thấu hiểu được" - bác sĩ Long bộc bạch.

Cực chẳng đã mới phải vậy

Bày tỏ quan điểm về vụ việc trên, anh Nguyễn Hồng Sơn (Vĩnh Phúc) cho biết, đáng trách và cũng đáng thương cho các bác sĩ này, nguyên do cũng vì lương quá thấp nên phải tìm cách kiếm thêm thu nhập.

"Sự việc về lý thì 4 bác sĩ đã sai quy định, nhưng về tình thì cực chẳng đã mới phải vậy. Họ đã hy sinh và tạo ra giá trị cho xã hội, nên thông cảm và bỏ qua, đó coi như bài học để rút kinh nghiệm.

Bác sĩ trên TPHCM lặn lội xuống tận Tiền Giang để làm việc chắc chắn rất vất vả. Theo tôi cần có chế độ đãi ngộ phù hợp với công sức họ bỏ ra để có thể chuyên tâm làm tại bệnh viện công mà không cần làm thêm ở ngoài" - anh Sơn nêu ý kiến.

Chị Lê Thị Liên (Thái Nguyên) cho rằng, các bác sĩ có giấy phép hành nghề, ngoài giờ họ có thể đi làm kiếm tiền để tăng thu nhập và cũng giúp người bệnh.

"Nếu thu nhập trong bệnh viện công mà ổn thì bác sĩ chẳng phải làm thêm làm gì. Nhu cầu kiếm tiền là nhu cầu chính đáng của mọi ngành nghề. Ngoài giờ làm việc tại bệnh viện thì thời gian còn lại của bác sĩ cũng như mọi ngành nghề khác là tự do.

Chúng ta không nên đổ hết trách nhiệm về các bác sĩ, vì họ cũng đang đi bán sức lao động của mình và lấy về những đồng tiền chân chính. Khi những điều kiện cơ bản nhất không được đáp ứng, nỗi lo cơm áo gạo tiền bủa vây thì tâm trí đâu để tập trung chuyên môn, để cống hiến cho bệnh viện?" - chị Liên nói.

Phùng Nhung