4 thói quen phổ biến “đánh cắp” chiều cao của trẻ nhỏ, cha mẹ cần cải thiện ngay nếu không muốn con bị thấp còi
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 10:26, 03/10/2022
Kinh tế xã hội phát triển nên đời sống vật chất cũng ngày càng được nâng cao, nhất là trẻ em được quan tâm và đầu tư hơn rất nhiều so với ngày xưa. Hầu hết các em đã được ăn ngon mặc đẹp từ nhỏ, có thể ăn những bữa chính, bữa phụ một cách đa dạng. Một số trẻ thể trạng gầy, yếu, chậm tăng trưởng chiều cao… không hẳn là do nghèo đói nữa mà nguyên nhân lại nằm ở chế độ ăn uống và vận động thiếu khoa học. Điều này đã trở thành “vấn nạn” lớn ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ và cũng là vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ đau đầu trong quá trình nuôi dạy con cái.
Đặc biệt là về chiều cao, ai mà không muốn con mình lớn lên sẽ cao ráo vượt trội? Vì vậy, nhiều bậc cha mẹ rất quan tâm đến việc cung cấp dinh dưỡng cho con từ khi còn nhỏ, làm hết sức mình để giúp con lớn lên. Một số người không cải thiện được chiều cao của con thì lại phàn nàn về bản thân và đổ lỗi cho sự chậm lớn của con mình là do di truyền.
Cậu bé Haohao (Trung Quốc) cũng là một trường hợp như vậy. Năm nay Haohao lên 5 tuổi, khá hoạt bát và đáng yêu nhưng lại thấp còi. Mặc dù bố mẹ Haohao đều cao ráo, yếu tố di truyền ổn, cậu bé lại được thường xuyên bổ sung món ăn nhiều canxi nhưng so với bạn bè ở lớp mẫu giáo thì chiều cao của cậu tương đối thấp. Điều này khiến bà nội cậu bé rất lo lắng, bà thường xuyên nấu canh xương hầm, sườn heo kho tộ và các món ăn bổ dưỡng khác, mong bổ sung canxi cho cháu nhưng dường như thể trạng cậu bé vẫn không có gì thay đổi, không những thế lá lách và dạ dày của Haohao còn bị bị thương, tiêu hóa kém và trở nên rất yếu ớt.
Sau đó, gia đình cho cậu bé đi khám bác sĩ mới tá hỏa hiểu ra nguyên nhân con thấp còi, một phần chính là bởi chế độ ăn uống và sinh hoạt mà gia đình thiết lập cho cậu thiếu khoa học. Ngoài ra, bác sĩ còn khuyến cáo 4 nguyên nhân “đánh cắp” chiều cao của con trẻ đang khá phổ biến hiện nay mà rất nhiều gia đình đang mắc phải, phụ huynh quan tâm có thể tham khảo để tránh mắc sai lầm trong quá trình nuôi dạy con
1. Chế độ ăn nhiều dầu mỡ, thiếu khoa học
Sau một số lần khám, bác sĩ cho mẹ Haohao biết nguyên nhân khiến con chị chậm lớn, chiều cao thụt lùi liên quan đến tỳ vị, dạ dày. Gia đình đã bồi dưỡng cho cậu bé quá nhiều, lượng thức ăn vượt quá khả năng tiêu hóa của lá lách và dạ dày, chưa kể nhiều trường hợp cho ăn không đúng cách, như canh hầm xương hay các món ăn nhiều dầu mỡ… đã gây quá tải, làm tổn thương bộ máy tiêu hóa. Ăn uống kiểu này không những không bổ sung được canxi như mong muốn mà còn làm giảm sự vận chuyển của tỳ vị, suy yếu chức năng của dạ dày khiến trẻ không hấp thụ được những dưỡng chất lành mạnh cần thiết.
2. Yêu thích sản phẩm điện tử, lười vận động, không tập thể dục
Với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, ngày càng có nhiều sản phẩm điện tử hấp dẫn, cuộc sống ngày càng tiện lợi, trẻ em được giải trí nhiều hơn nhưng lại ngại ra ngoài vận động và tập thể dục. Chúng ở nhà suốt ngày xem tivi, chơi game, lướt youtube… và điều này ảnh hưởng đến thị lực cũng như kết quả học tập của trẻ, đồng thời sẽ làm giảm chất lượng thể chất của trẻ, không có lợi cho việc hấp thu vitamin D và tổng hợp canxi, làm trẻ chậm phát triển chiều cao.
3, Ngủ muộn, chất lượng giấc ngủ kém
Các nghiên cứu cho thấy, sự bài tiết của hoocmon sinh trưởng có liên quan mật thiết với giấc ngủ và trẻ ngủ sâu vượt quá 1 tiếng thì lượng bài tiết hoocmon sinh trưởng mới tăng rõ rệt. Đây là một trong những nhân tố quan trọng nhất giúp trẻ cao lên.
Thế nhưng hiện thực cuộc sống ngày nay là rất nhiều người có xu hướng thức khuya, mà bố mẹ thức khuya sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con trẻ. Cụ thể, nếu trẻ có thói quen ngủ muộn giống bố mẹ sẽ bỏ lỡ thời kỳ cao điểm tiết hormone tăng trưởng, một số trẻ có giấc ngủ kém chất lượng thì cũng kém phát triển và miễn dịch yếu.
Vì vậy, bố mẹ muốn con khỏe mạnh, tăng trưởng chiều cao tốt nhất thiết phải tạo nên một môi trường giấc ngủ tốt nhất cho trẻ, ngủ sớm và ngủ đủ giấc.
4, Dinh dưỡng không phù hợp, khó hấp thụ được
Như đã nói ở trên, các bậc cha mẹ ngày nay chỉ chú ý đến việc con mình có ăn ngon miệng hay không mà không chú ý đến chức năng hấp thụ dinh dưỡng của lá lách và dạ dày. Do đó, những thức ăn giàu chất béo và giàu đạm tưởng là tốt nhưng thực chất càng làm tăng gánh nặng cho tỳ và dạ dày, dẫn đến tỳ và dạ dày không hấp thụ được nhiều dinh dưỡng, không đáp ứng được nhu cầu năng lượng của trẻ. Chẳng hạn món kem mà cha mẹ cho con ăn là dễ gây kích thích dạ dày, hay trà sữa, bánh mì kẹp thịt và các loại thức ăn nhanh khác… Tất cả đều là những trở ngại khiến làm trẻ bị “vấp ngã” tron quá trình lớn lên và tăng trưởng chiều cao.
Tóm lại, muốn con phát triển khỏe mạnh, cao lớn, trước hết cha mẹ phải tự soi lại bản thân mình và bỏ những “tật xấu” kể trên, đặc biệt là những hành vi làm tổn thương tỳ vị, dạ dày thông thường. Ngoài việc ăn uống lành mạnh, bố mẹ có thể cho trẻ bổ sung thêm những thực phẩm hỗ trợ để làm sạch ruột, thúc đẩy sự hấp thu chất dinh dưỡng của lá lách, để trẻ có thể nhận được nhiều chất dinh dưỡng hơn từ chế độ ăn uống để phát triển thể chất toàn diện.
Theo V.K - Vietnamnet