Vụ việc 4 bác sĩ đi làm thêm xuyên tỉnh: Đáng trách hay đáng thương?

Tin Y tế - Ngày đăng : 19:55, 02/10/2022

Vụ việc 4 bác sĩ ở TP Hồ Chí Minh đi làm thêm xuyên tỉnh ở phòng khám tư đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Phải chăng đãi ngộ đối với lực lượng đang công tác trong ngành y tế thấp đến mức các bác sĩ phải liều mình, vượt hàng trăm cây số để đi tìm kế sinh nhai?

"Đói đầu gối cũng phải bò"

Như Lao Động đã đưa tin, vào ngày 1.10 vừa qua, đoàn kiểm tra của Sở Y tế TPHCM đã làm việc với Bệnh viện TP Thủ Đức để làm rõ các thông tin về việc 4 bác sĩ đang công tác tại bệnh viện này được báo chí phản ánh khám bệnh trong giờ hành chính trong nhiều tháng tại một phòng khám tư nhân ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Thông tin từ lãnh đạo Bệnh viện TP Thủ Đức, 4 bác sĩ đều xác nhận có tham gia hành nghề khám chữa bệnh tại phòng khám tư ở tỉnh Tiền Giang. Các bác sĩ này có lịch hoạt động ở phòng khám từ 1-3 ngày/người, sắp xếp xen kẽ trong tuần và được trả hơn một triệu đồng cho mỗi ngày làm việc giờ hành chính. Ngoài ra còn có thu nhập tăng thêm dựa theo số lượng bệnh nhân đến khám.

Cũng theo giải trình, 4 bác sĩ này cho biết vì không nắm được quy định pháp luật nên đã tự sắp xếp thời gian ca trực để làm thêm và chưa báo cáo với lãnh đạo khoa, ban giám đốc bệnh viện. Lý do cho việc làm sai phạm trên là do khó khăn về kinh tế.

.
4 bác sĩ ở TP Hồ Chí Minh đi làm thêm xuyên tỉnh vì lý do kinh tế khó khăn.

Theo dõi sự việc từ những ngày đầu, bác sĩ N.T.T - hiện công tác tại một bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh Thái Bình cho rằng, 4 bác sĩ trong vụ việc nói trên đúng là đã sai về lý. Nhưng xét về tình thì nên có sự cảm thông:

“Một số chuyên khoa như Hồi sức tích cực chống độc, Khoa cấp cứu, Ngoại khoa.... bác sĩ trực hôm trước thì hôm sau sẽ được nghỉ cả ngày, các chuyên khoa khác thường được nghỉ buổi chiều của ngày hôm sau.

Thời gian rảnh có, thế nhưng với mức lương “ít ỏi” được nhận hàng tháng thì liệu có mấy ai an tâm ngồi nhà? Mà đói thì đầu gối cũng phải bò, từ làm thêm phòng mạch, bán hàng online, thậm chí là chạy xe…. công việc nào có thể kiếm thêm thu nhập, chúng tôi đều sẵn sàng làm, miễn là không phạm pháp và trái đạo đức lương y.

Ai cũng mong ước được làm việc đường đường chính chính, đúng chuyên môn với mức thu nhập đảm bảo. Thế nhưng khi những điều kiện cơ bản nhất không được đáp ứng thì tâm trí đâu để tập trung chuyên môn, khi mà nỗi lo cơm áo gạo tiền luôn bủa vây mỗi ngày” - bác sĩ N.T.T cho hay.

Không nên đổ hết trách nhiệm lên bác sĩ

Còn theo chia sẻ của chị Lê Vân Anh (Hoàng Mai - Hà Nội), khi y tế là ngành chịu nhiều áp lực, rủi ro mà mức lương các bác sĩ nhận được lại rất thấp và không đủ trang trải cuộc sống thì việc làm thêm bên ngoài, thậm chí rời công sang tư là điều dễ hiểu.

Theo tôi, khi bệnh viện chưa có giải pháp để cải thiện thu nhập cho y bác sĩ thì nên tạo điều kiện cho họ đi làm thêm.

Như ở quê tôi, cứ vào cuối tuần người dân lại đến các phòng khám tư rất đông. Bởi ở đó có máy móc hiện đại, trang thiết bị đầy đủ. Hơn hết là có các bác sĩ chuyên khoa giỏi từ thành phố trực tiếp về thăm khám, người dân không phải đi xa lại an tâm khám chữa bệnh.

Trong thời buổi đồng lương quyết định tất cả, không nên đổ hết trách nhiệm về các bác sĩ, vì họ cũng đang đi bán sức lao động của mình mà thôi” - chị Vân Anh nói.

Tại Điều 12 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định, một người được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thì được thực hiện việc khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh. Nhưng phải đảm bảo thời gian khám chữa bệnh tại các cơ sở này là khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định.

Cũng tại Điều 14 Luật Viên chức 2010 đã quy định rõ quyền của viên chức về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định. Cụ thể, viên chức được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Viên chức được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Kim Nhung