Hàng loạt quan tham ở Trung Quốc bị trừng phạt
Tin thế giới - Ngày đăng : 11:30, 02/10/2022
Theo Sina, ngày 28/9, Thẩm Đức Vịnh, 68 tuổi, Ủy viên Trung ương khóa 19, Ủy viên Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp chế và Xã hội của Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc, nguyên Phó Bí thư đảng đoàn, Phó Viện trưởng thường trực Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã bị bắt vì tội nhận hối lộ. Trước đó, Thẩm Đức Vịnh đã bị khai trừ đảng và cách chức hồi tháng 3 năm nay và trở thành quan chức cấp trưởng bộ đầu tiên bị ngã ngựa trong năm 2022.
Lý Kiến Bình trước tòa |
Theo thông báo kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thì Thẩm Đức Vịnh “đã đánh mất lý tưởng và niềm tin, phản bội trách nhiệm và sứ mệnh của mình; nhiều lần phớt lờ mệnh lệnh của Trung ương, can thiệp vào các hoạt động tư pháp, thay đổi từ một người bảo vệ công bằng và công lý thành một kẻ gian lận trật tự pháp lý, làm suy giảm nghiêm trọng uy tín tư pháp và chống lại thẩm tra của tổ chức; vi phạm tinh thần 8 điều quy định của Trung ương; nhận quà biếu, quà tặng vi phạm quy chế, nhận tiệc tùng, du ngoạn ảnh hưởng đến việc thực thi công vụ, vi phạm quy chế; vi phạm nguyên tắc tổ chức, không trung thành với Đảng, không trung thực, che giấu, không khai báo việc riêng, không giải trình trung thực những vướng mắc khi tổ chức yêu cầu; vi phạm quy định trong tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ trục lợi cho người khác…”.
Một ngày sau, 29/9, 6 “hổ” ở 6 tỉnh, thành, khu gồm Thượng Hải, Hồ Bắc, Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Giang Tô, Tây Tạng đã bị xử lý. 4 người trong số họ bị “song khai” (khai trừ khỏi đảng và cách chức công quyền); 2 người còn lại bị truy tố: một người bị buộc tội đầu cơ chính trị, người còn lại bị buộc tội che đậy cuộc hôn nhân giả.
Bốn người bị “song khai” là: Trương Bản Tài, Bí thư đảng ủy kiêm Viện trưởng Kiểm sát Thượng Hải; Tào Quảng Tinh, Phó tỉnh ủy Hồ Bắc; Tống Hy Bân, Phó Chủ tịch Thường trực Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Hắc Long Giang; Vương Đại Vĩ, Phó tỉnh trưởng, Giám đốc Sở Công an tỉnh Liêu Ninh.
Trương Bản Tài bị buộc tội vô trách nhiệm về công việc của mình, tham gia các hoạt động mê tín dị đoan và chống lại sự thẩm tra; lợi dụng quyền lực để bố trí công việc, mưu lợi cho người khác; dung túng người thân lợi dụng ảnh hưởng địa vị của mình để mưu lợi; can thiệp bất hợp pháp vào các hoạt động tư pháp; thực thi pháp luật nhưng vi phạm pháp luật, sử dụng quyền lực mưu lợi cho cá nhân, nhận bất hợp pháp số lượng lớn tài sản...
Tào Quảng Tinh bị buộc tội kết bạn với “những kẻ lừa đảo chính trị”, tham gia đầu cơ chính trị, chống lại sự thẩm tra và tham gia vào các hoạt động mê tín dị đoan; mưu lợi cho người khác, nhận bất hợp pháp số tài sản khổng lồ; đổi quyền lấy sắc, đổi tiền lấy sắc; vi phạm và can thiệp vào hoạt động tư pháp, vừa làm quan vừa muốn phát tài…
Tống Hy Bân bị cáo buộc vô trách nhiệm và lười biếng, chống lại sự kiểm tra và tham gia vào các hoạt động mê tín dị đoan; xâm phạm lợi ích quốc gia trong quá trình phân phối và mua nhà ở; nhận quà bất hợp pháp, tham gia vào các giao dịch đổi quyền lấy tiền; can thiệp bất hợp pháp vào các hoạt động tư pháp; mưu lợi cá nhân cho người khác, nhận bất hợp pháp số lượng tài sản khổng lồ; biển thủ công quỹ số tiền khổng lồ...
Vương Đại Vĩ bị buộc tội không trung thành, không trung thực. Để che đậy vấn đề có vợ con định cư ở nước ngoài, mang quốc tịch nước ngoài, đã kết hôn giả; nhận bất hợp pháp số lớn tiền của người khác, bán chức thu tiền; lối sống hư hỏng, đạo đức băng hoại; lách luật để trục lợi; lợi dụng chức vụ để mưu lợi cho người khác và nhận một số lượng lớn tài sản…
Hai người bị khởi tố là: Trương Vĩnh Trạch, cựu Phó chủ tịch khu tự trị Tây Tạng và Trương Kính Hoa, cựu Phó bí thư tỉnh ủy Giang Tô. Cả hai đều bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cho các đơn vị, cá nhân có liên quan và nhận trái phép tài sản của người khác với số tiền đặc biệt lớn.
Đặc biệt, ngày 27/9, Lý Kiến Bình, sinh 1960, cựu Bí thư Ban công tác Đảng của Khu phát triển kinh tế và công nghệ Hovhot ở Nội Mông đã bị kết án tử hình và thi hành ngay. Số tiền liên quan đến vụ án này lên tới 3 tỷ Nhân dân tệ (hơn 400 triệu USD). Lý Kiến Bình bị xét xử và kết án về các tội tham ô, nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, dung túng băng nhóm xã hội đen hoành hành. Cáo trạng còn nêu rõ Lý Kiến Bình đã nhiều lần ra nước ngoài đánh bạc, gây ảnh hưởng rất tồi tệ. Theo Tuần san Tin tức Trung Quốc ra ngày 21/8, khi Lý Kiến Bình bị bắt, nhân viên điều tra đã thu được từ phòng làm việc của ông ta 6 cuốn hộ chiếu; trong suốt một tháng sau khi bị bắt, Bình đã không chịu khai báo và mấy lần định tự sát.
Đáng chú ý, gần đây, bảy thành viên của “băng đảng chính trị Tôn Lập Quân” cũng đã lần lượt bị xử lý bằng pháp luật. Ngày 28/9, Lưu Nhan Bình, một thành viên trong băng đảng của Tôn Lập Quân, nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ An ninh Quốc gia, đồng thời là Trưởng đoàn Kiểm tra và Giám sát của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương tại Bộ An ninh Quốc gia, đã bị khởi tố.
Vào ngày 22 và 23/9, các bị cáo Tôn Lập Quân, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chính Hoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc, Vương Lập Khoa, cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Giang Tô, đều bị kết án tử hình hoãn thi hành, sau đó được giảm xuống tù chung thân đến khi mãn hạn không được giảm án hoặc phóng thích.
Trước đó, ngày 21/9, Củng Đạo An, cựu giám đốc Sở Công an Thượng Hải, bị kết án tù chung thân; Đặng Khôi Lâm, cựu giám đốc Sở Công an Trùng Khánh, bị kết án 15 năm tù; Lưu Tân Vân, cựu Phó tỉnh trưởng và cựu giám đốc Sở Công an tỉnh Sơn Tây, bị kết án 14 năm tù. Như thế là tất cả các thành viên của “Tập đoàn Tôn Lực Quân” đều đã bị khởi tố hoặc đưa ra xét xử trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20.