Luân chuyển loạt cán bộ công tác lĩnh vực 'nhạy cảm' ở Bộ KH&ĐT
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:41, 02/10/2022
Bộ KH&ĐT vừa ban hành Thông tư 18/2022/TT-BKHĐT, quy định chi tiết danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực đầu tư ở địa phương. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/9/2022.
Theo đó, danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực Đầu tư phải thực hiện định kỳ chuyển đổi gồm: Thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và của Việt Nam ra nước ngoài; Thẩm định dự án; Đấu thầu và quản lý đấu thầu; Lập, phân bổ, quản lý kế hoạch vốn; Quản lý quy hoạch; Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất - khu kinh tế; Quản lý doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh; Quản lý vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc quy định nêu trên là từ đủ 3-5 năm.
Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007; Nghị định số 150/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 158/2007/NĐ-CP.
Việc luân chuyển cán bộ được thực hiện theo Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị, về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý và Kết luận số 24-KL/TW, ngày 5/6/2012 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: “Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền quản lý có trách nhiệm thực hiện việc định kỳ chuyển đổi cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại một số vị trí liên quan đến việc quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng”.