Điều chưa biết về lễ đặt tên của người Mông

Dòng chảy - Ngày đăng : 09:00, 02/10/2022

Đối với dân tộc Mông, đặt tên không chỉ dừng lại ở việc lên cơ quan hành chính địa phương để đăng ký mà còn có cả một ngày lễ trang trọng như một cách để chào đón những sinh linh nhỏ bé đến với thế giới.

Vòng đời của mỗi một đồng bào người Mông trải qua nhiều nghi lễ, và đánh dấu cột mốc đầu tiên trong đời chính là ngày lễ gọi hồn và đặt tên. Trước tiên, người thân trong gia đình sẽ chọn ra một vài cái tên cho em bé. Tương tự họ tên người Kinh, họ tên người Mông cũng gồm 3 phần, lần lượt là họ - tên đệm - tên chính.

Phần tên đệm của con trai Mông thường là A, của con gái là Thị. Người Mông thường chọn tên sao cho phù hợp cả về ngữ âm và ngữ nghĩa, gửi gắm mong ước, hy vọng, lời chúc phúc của gia đình đến em bé. Trong cuộc sống thường ngày, tên gọi của người Mông thường được đính kèm tên đệm, ví dụ A Phủ, A Dơ… (người Mông thường đặt tên con trai út là Dơ, con gái út là Dở).

15c-8077.jpg
Trẻ em người Mông ở bản Sin Suối Hồ (tỉnh Lai Châu) Ảnh: Nguyệt Hà

Ba ngày sau khi em bé chào đời, người thân tổ chức lễ gọi hồn và đặt tên. Theo quan niệm của đồng bào, khi đứa trẻ mới sinh ra, hồn còn đi lang thang, nên phải gọi về, nhận gia đình, được công nhận là thành viên mới, được tổ tiên che chở.

Chủ lễ (thường là ông nội hoặc người trong dòng họ có uy tín) dùng gà sống và trứng sống làm vật dâng lễ, thông báo về sự ra đời của đứa trẻ, cầu ông bà tổ tiên phù hộ cho em bé khoẻ mạnh, khôn lớn. Sau đó, những cái tên đã được chọn từ trước được đưa ra để mọi người bàn bạc, rồi chủ lễ quyết định. Nghi lễ cúng kết thúc cũng là lúc họ hàng, láng giềng đến tặng cho em bé trứng gà, đôi gà trống mái, bao gạo ngon, ít tiền cùng lời chúc trẻ mau khôn lớn, biết làm nương, giỏi đi rừng…

Theo truyền thống của người Mông, đàn ông sinh ra đều có tên đệm phổ biến là A giống như tên đệm Văn của người Kinh. Tuy nhiên, từ khi đến tuổi trưởng thành tới lúc trung niên, họ làm lễ đổi tên đệm để khẳng định với cộng đồng rằng, mình đã là đàn ông có cuộc sống gia đình ổn định, có vai vế, được mọi người tôn trọng.

Nghi thức đặt lại tên đệm khá đơn giản và thường được kết hợp vào ngày Tết. Vào ngày lễ, gia đình mổ lợn cúng tổ tiên và báo cáo đổi tên đệm mới. Ví dụ, A Hành (tên này không nhiều ý nghĩa lắm) được đổi thành Nỏ Hành (mang nghĩa thành đạt, phát triển). Việc đổi tên đệm này còn có ý nghĩa thực tế hằng ngày vì thường có nhiều người trùng tên.