Đấu giá biển số xe: Làm thế nào để tránh tiêu cực?
Nhịp sống - Ngày đăng : 12:30, 01/10/2022
Giải đáp những thắc mắc trên của độc giả, Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, Bộ Công an đã đưa ra các tình huống giả lập trong đấu giá, từ đó có các giải pháp để làm sao cuộc đấu giá được công khai minh bạch, tránh được những gian lận.
Ngoài ra, trong dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ, trước đấu giá 30 ngày, Bộ Công an sẽ đăng tải toàn bộ những dãy số đã được cấp cho các địa phương trên cổng thông tin điện tử, trên các phương tiện truyền thông... để người dân công khai lựa chọn và đăng ký đấu giá.
Theo lãnh đạo Cục CSGT, để đảm bảo tính minh bạch, công khai, tránh tình trạng tiêu cực trong quá trình tham gia đấu giá, Bộ Công an cũng được Chính phủ giao chọn đơn vị đấu giá biển số chuyên nghiệp, độc lập thực hiện việc đấu giá.
Quá trình đấu giá cũng sẽ diễn ra trực tuyến để mọi người dân đều có thể tham gia. Thiếu tướng Đức cho rằng, như vậy việc đấu giá sẽ được kiểm soát, công khai trong suốt quá trình trước, trong và sau đấu giá.
Theo Thiếu tướng Đức, một yếu tố nữa giúp cuộc đấu giá trở nên minh bạch, công khai đó chính là sự giám sát của người dân, sự vào cuộc của cơ quan truyền thông. Từ đó, việc tiêu cực, lợi dụng đấu giá, tình trạng "quân xanh, quân đỏ"... sẽ cơ bản đã được lường trước và có biện pháp phòng chống.
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, trong đấu giá biển số xe ô tô, sẽ có những người có ý định xấu như đầu cơ, gian lận, tác động tiêu cực vào hoạt động đấu giá. Tuy nhiên, ông Cường khẳng định hiện nay việc đấu giá tài sản đã có luật. Các trung tâm đấu giá độc lập ngày càng phát triển. Các lực lượng đảm bảo an ninh mạng cũng được hoàn thiện hơn. Do đó, định hướng đấu giá qua mạng là định hướng đúng và phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ.
Theo luật sư Cường, việc đấu giá công khai minh bạch, áp dụng công nghệ cùng với sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng sẽ giảm thiểu được rủi ro, tiêu cực.
Tại sao có mức giá khởi điểm 20 triệu đồng và 40 triệu đồng?
Theo dự thảo Nghị quyết mới nhất được đưa ra bàn thảo ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã đưa ra 5 chính sách về chủ trương đấu giá biển số ô tô, trong đó có việc, giá khởi điểm đấu giá ở TPHCM và Hà Nội là 40 triệu/biển số; các địa phương còn lại khởi điểm từ 20 triệu đồng/biển.
Giải đáp thắc mắc này, theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức - Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), đây cũng là một vấn đề mang tính đặc thù vì chưa được quy định trong luật.
"Trong quá trình xây dựng hội thảo, Nghị quyết, chúng tôi đã tham khảo kinh nghiệm trên thế giới về giá khởi điểm. Có những nước giá khởi điểm bằng 0 nhưng đằng sau đó hiện vật được đấu giá có thể mang giá trị hàng triệu đô la. Ở Việt Nam, đầu tiên chúng tôi căn cứ vào thông tư của Bộ Tài chính về mức thu lệ phí ở Hà Nội, TPHCM và các địa phương khác", Thiếu tướng Đức nói.
Theo lãnh đạo Cục CSGT, khảo sát ngoài thực tiễn cho thấy chiếc xe đi lại của người dân có giá trị thường là từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Tính 5% giá trị của phương tiện đó thì ra khoảng 20-40 triệu đồng.
"Do vậy, chúng tôi đặt ra mức 40 triệu đồng (ở Hà Nội và TPHCM vì có mức thu nhập cao hơn) và các địa phương còn lại là 20 triệu đồng. Mức khởi điểm đó cũng tránh việc bỏ đặt cược vì tiền đặt cược phải theo giá khởi điểm. Theo Luật Đấu giá, tiền đặt cược là 5% của giá khởi điểm. Chúng tôi thấy rằng 5% của 20 triệu đồng là con số nhỏ nên có nguy cơ bỏ tiền đặt cược. Bởi vậy trong đấu giá biển số xe chúng tôi quy định tiền đặt cược bằng với giá khởi điểm. Đấy là điểm khác so với luật để đưa vào Nghị quyết lần này", Thiếu tướng Lê Xuân Đức lý giải.
Cũng theo Thiếu tướng Đức, ngay khi giải trình ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cử tri đã chất vấn về vấn đề này rất nhiều. Qua quá trình đấu giá sẽ thấy phù hợp với thực tiễn và đây là vấn đề mà Bộ Công an đã thảo luận rất nhiều lần.