Hồ sơ mật: Đi tìm điệp viên nhị trùng giá trị nhất Chiến tranh Lạnh – Phần 2
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 10:27, 01/10/2022
Với những thông tin tuyệt mật nhận được, CIA đã hoàn toàn tin tưởng và coi điệp viên nhị trùng Polyakov như một chuyên gia hơn là một người bán thông tin tình báo. Polyakov được quyền chọn phương án tác chiến riêng của mình và thậm chí là tự đưa ra nhiệm vụ cho chính mình.
Sự biến mất đột ngột của Polyakov vào năm 1980 và những tiết lộ sau này của những người liên quan đã để lại không ít câu hỏi về thân phận của ông ta mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Nhiều chuyên gia tình báo cho rằng, dù nhìn ở góc độ nào thì Polyakov vẫn là một điệp viên tài giỏi, người đã lấy và trao đi nhiều thông tin quan trọng mà không khơi dậy bất cứ sự nghi ngờ nào trong suốt hơn 2 thập kỷ.
Điệp viên nhị trùng đắt giá
Năm 1974, Polyakov được thăng quân hàm thiếu tướng và được bổ nhiệm làm Tùy viên quân sự của Đại sứ quán Liên Xô tại New Delhi (Ấn Độ). Tại đây, bằng các máy ảnh thu nhỏ, các hộp thư chết (nơi bí mật để gửi và nhận tài liệu mà không cần phải giáp mặt) và các biện pháp tình báo truyền thống khác, ông ta đã cung cấp một lượng lớn thông tin cho CIA.
Bản phác thảo về nơi Polyakov liên lạc với CIA tại Moscow. Ảnh: espionagehistoryarchive.com |
Giữa thập niên 1970, khi Polyakov quay trở lại Moscow để thực hiện một đợt luân chuyển khác tại trụ sở GRU, các kỹ thuật viên của CIA đã phát minh riêng cho điệp viên nhị trùng này một thiết bị tín hiệu vô tuyến hiện đại. Sau khi dùng loại film chụp ảnh tự hủy để chụp lại những thông tin quan trọng, bỏ chúng vào lỗ hổng bên trong những hòn đá nhân tạo và đặt chúng trên bãi cỏ, Polyakov lái xe qua trụ sở Đại sứ quán Mỹ và kích hoạt bộ truyền tín hiệu giấu trong túi quần để thông báo cho các nhân viên của Mỹ biết. Khi ở nước ngoài, Polyakov và người liên lạc của CIA lại trao đổi thông tin qua những cuộc đi câu. Những thông tin mật về quân sự được ghi lại bằng một chiếc máy ghi âm giấu kín.
Sau khi được chuyển đến New Delhi lần thứ 2 vào năm 1979, Polyakov vẫn tiếp tục hoạt động gián điệp của mình. Để đổi lấy các thông tin tình báo, Polyakov đã yêu cầu CIA cung cấp những món đồ khó mua như những chiếc đồng hồ sang trọng để “lót tay” các đồng nghiệp tại GRU mà không khơi dậy bất cứ sự nghi ngờ nào. Đam mê câu cá và làm đồ gỗ mỹ nghệ, Polyakov đã yêu cầu CIA cung cấp các loại mồi câu cá và bộ dụng cụ cầm tay Black & Decker.
Là một sĩ quan cao cấp trong Cơ quan tình báo Liên Xô, Polyakov đã tận dụng triệt để vị trí của mình để thu thập thông tin. Tổng cộng, điệp viên nhị trùng này đã tiết lộ danh tính 150 đặc vụ làm việc cho Nga, 19 gián điệp ngầm của Liên Xô, 1.500 sĩ quan của GRU và KGB. Polyakov cũng cung cấp chi tiết về các hệ thống vũ khí, khả năng của chúng (không xác định) và chuyển những thông tin tình báo bí mật liên quan đến KGB và Bộ Ngoại giao Liên Xô cho phía Mỹ.
Theo đánh giá của Sandy Grimes, một cựu điệp viên CIA trong một cuộc phỏng vấn năm 1998, đây là những thông tin quan trọng mà trước đây Mỹ chưa bao giờ có khả năng tiếp cận được, bao gồm cả báo cáo hằng tháng về chiến lược của quân đội Liên Xô, hay danh sách công nghệ quân sự mà Liên Xô muốn có được từ phương Tây. Polyakov đã thu thập hơn 100 số tạp chí mật do Bộ Tổng Tham mưu Liên Xô ấn hành. Sau khi được phong quân hàm cấp tướng năm 1974, Polyakov lại có nhiều cơ hội tiếp cận với cả kho tài liệu tình báo ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thậm chí là những lĩnh vực nằm ngoài chức trách nhiệm vụ của Polyakov như danh sách các chương trình mà Liên Xô tận dụng công nghệ quân sự từ phương Tây để tăng cường khả năng quân sự của mình. Danh sách của Polyakov đã giúp Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Richard Perle thuyết phục Tổng thống Reagan thắt chặt việc buôn bán công nghệ quân sự ở phương Tây.
Dmitri Polyakov mang quân hàm thiếu tướng trong một sự kiện. Ảnh: specsluzhby-all.ru |
Trong 25 năm kể từ năm 1961, Polyakov đã cung cấp rất nhiều thông tin tình báo tin cậy nhất về quân đội Liên Xô cho Mỹ và trở thành một huyền thoại trong ngành tình báo. Số tài liệu tình báo mà Polyakov cung cấp lấp đầy 25 ngăn kéo đựng tài liệu. Nhờ có Polyakov, Mỹ đã đưa ra chiến lược quan trọng trong Chiến tranh Lạnh và đối phó với vũ khí của Liên Xô.
Biến mất và những câu hỏi còn để ngỏ
Tháng 5-1980, Polyakov thông báo với CIA rằng điệp viên này sẽ được triệu hồi về Moscow. Sau khi nghỉ hưu vào cuối năm đó, không ai biết bất cứ thông tin nào về Polyakov. Các nhân viên tình báo Mỹ, những người có mối quan hệ làm việc thân thiết với Polyakov trong nhiều năm lo rằng điệp viên này có thể đã bị lộ.
Năm 1984, một điệp viên của Mỹ được phân công theo dõi báo chí Liên Xô đã phát hiện một mẩu tin về công thức nấu món chim sâm cầm đăng trên tờ Okhota, một tạp chí Liên Xô dành cho những người đam mê săn bắn và câu cá mà Polyakov thường tham gia viết bài. Thông tin đó khiến các quan chức CIA linh tính một điều chẳng lành đang xảy ra với Polyakov do hai bên đã thỏa thuận với nhau nếu muốn liên lạc với CIA, Polyakov sẽ ra dấu hiệu bằng cách đăng một công thức món ăn lên báo.
Hình ảnh Dmitri Polyakov bị bắt giữ. Ảnh: goaravetisyan.ru |
Đúng như linh tính, không lâu sau, điệp viên này đột nhiên biến mất không dấu vết. Các quan chức CIA tự hỏi liệu Polyakov có đang gặp nguy hiểm hay không và điều gì sẽ xảy ra với điệp viên nhị trùng này sau khi mất tích? Nhiều người cho rằng Polyakov đơn giản đã đến tuổi nghỉ hưu. Người khác lại cho rằng Polyakov đã bị gọi về và bị kết án tử hình vì tội phản quốc.
Những thông tin đầu tiên liên quan đến cái chết của Polyakov được cho là được đề cập đến tại Hội nghị thượng đỉnh Moscow năm 1988 khi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan có chuyến thăm lịch sử tới Moscow để ký hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân mới. Khi đề cập đến khả năng hoán đổi điệp viên giữa hai nước và ám chỉ rằng họ sẽ chấp nhận một thỏa thuận tị nạn liên quan đến một sĩ quan GRU, các quan chức Mỹ được thông báo rằng kẻ phản bội Liên Xô đã bị xử tử 2 tháng trước đó.
Những thắc mắc về sự biến mất của Top Hat được giải đáp khi tờ Pravda đăng thông tin về thân phận và cái kết của sĩ quan tình báo này năm 1990. Theo tờ báo này, điệp viên có ý nghĩa lớn với Mỹ đã bị bắt vì hoạt động gián điệp và bị tòa án kết án tử hình vì tội phản bội Tổ quốc và hoạt động gián điệp. Polyakov bị xử bắn và tịch thu tài sản. Các nguồn tin CIA cũng biết rằng Petr, con trai Polyakov, một quan chức Bộ Ngoại giao Liên Xô, đã tự sát.
Trong nhiều năm, Mỹ nghi ngờ Aldrich Ames, một điệp viên hai mang bị kết án chung thân vì làm gián điệp vào năm 1994, là người đã tiết lộ bí mật về Polyakov cho Liên Xô. Có thông tin, với tư cách là người đứng đầu bộ phận phản gián của CIA phụ trách các hoạt động của Liên Xô, Ames đã nhận 50.000 USD từ KGB để đổi lấy tên các điệp viên Liên Xô đang làm gián điệp cho Mỹ, bao gồm cả Polyakov. Tuy nhiên, đầu thập niên 2000, các quan chức đã phát hiện ra rằng Ames không phải là người duy nhất tiết lộ thân phận thật của Polyakov. Năm 2001, cựu đặc vụ FBI Robert Hanssen, người bị buộc tội làm gián điệp cho Liên Xô, đã thú nhận rằng ông đã tiết lộ thông tin Polyakov làm gián điệp cho Mỹ ít nhất 5 năm trước khi Polyakov bị kết tội phản quốc.
Lời thú nhận của Robert Hanssen đã khiến các chuyên gia về tình báo đặt nhiều câu hỏi nghi vấn rằng liệu thời gian cuối làm việc cho Mỹ, Polyakov có được Liên Xô đưa trở về khi biết thân phận thật của sĩ quan tình báo này và đánh lạc hướng Mỹ bằng những thông tin sai lệch hay không? Polyakov có thực sự là một tài sản của Mỹ hay chỉ là một “điệp viên ba mang” (làm công tác tình báo của một nước, bán thông tin cho nước thứ hai và lại gửi thông tin tình báo giả cho nước thứ hai), người gieo sự bất hòa và những thông tin đánh lạc hướng ở Mỹ?
Thẻ và danh thiếp của cựu đặc vụ FBI Robert Hanssen, người bị kết án tù chung thân vì tội làm gián điệp cho Liên Xô trong thời gian làm việc cho FBI. Ảnh: Getty Images |
Những câu hỏi về điệp viên nhị trùng Dmitri Polyakov đến nay vẫn còn đang bỏ ngỏ. Các chuyên gia tình báo ở cả hai phía đều đi theo hai xu hướng là kết tội hoặc tôn vinh Polyakov. Tuy nhiên, dù có là người hùng hay kẻ phản bội thì cũng không thể phủ nhận Polyakov là một điệp viên tài giỏi.
TRẦN HOÀI(Tổng hợp từ Time, New York Times, Bulletin of the Atomic Scientists, History, sách “Near and Distant Neighbors: A New History of Soviet Intelligence”)