Tranh cãi việc xử phạt rạp chiếu phim đêm ngoài khung giờ

Văn hoá - Giải trí - Ngày đăng : 10:43, 30/09/2022

Doanh nghiệp tự tính bài toán kinh doanh vào ban đêm cho phù hợp, trong đó có việc mở suất chiếu đến mấy giờ và mở bao nhiêu suất. Cơ quan nhà nước có thể không cần can thiệp sâu vào hoạt động này.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 38/2021 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đang được Bộ Tư pháp tiến hành thẩm định.

Tờ trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cơ quan soạn thảo) xin ý kiến về quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 38 về "Phạt từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi chiếu phim ngoài khoảng thời gian từ 8 giờ đến 24 giờ hàng ngày".

Theo Bộ này, đây là quy định dựa trên cơ sở của Điều 36 Quy định về các hoạt động vui chơi, giải trí khác tại Quy chế kèm theo Nghị định số 103/2009 của Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.

Tranh cãi việc xử phạt rạp chiếu phim đêm ngoài khung giờ - 1

Các doanh nghiệp điện ảnh đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ xin được chiếu phim rạp sau 0h (Ảnh: Vân Hương).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin, việc sửa đổi, bổ sung quy định nêu trên đang có hai loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng không nên quy định hành vi này do chưa phù hợp với định hướng phát triển kinh tế ban đêm hoặc quy định hành vi này nhưng mở rộng khoảng thời gian phổ biến phim tại rạp chiếu phim đến 2h sáng.

Các doanh nghiệp phản ánh việc giới hạn hoạt động chiếu phim đến 24h khiến họ buộc phải bố trí các suất chiếu tương đối sớm, nhiều khi không phù hợp với nhu cầu sinh hoạt của một bộ phận người dân thành thị; đồng thời khiến doanh nghiệp mất đi một khoản thu nhất định.

Trong khi đó, Quyết định 1129/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã đặt ra yêu cầu chủ động phát triển kinh tế ban đêm để tận dụng tối đa thời gian, phục vụ tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam và người nước ngoài.

Cũng có ý kiến cho rằng cần cân nhắc đến thời gian tối đa mở cửa. Việc này có thể nhìn dưới góc độ kinh tế khi đầu tư rạp chiếu phim tốn rất nhiều chi phí, các doanh nghiệp cần có kế hoạch kinh doanh bài bản, đúng pháp luật để đảm bảo bài toán doanh thu. Trong khi đó, việc duy trì các suất chiếu phim ban đêm thường tốn chi phí duy trì nhiều hơn so với ban ngày.

"Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải tự tính toán bài toán kinh doanh vào ban đêm cho phù hợp, trong đó có việc mở suất chiếu đến mấy giờ và mở bao nhiêu suất. Cơ quan nhà nước có thể không cần can thiệp sâu vào hoạt động này của doanh nghiệp"- tờ trình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần quy định hành vi này và không quy định cụ thể khung giờ phổ biến phim. Khung giờ đó sẽ được căn cứ vào quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc các quy định cụ thể của từng địa phương khi được giao thẩm quyền quy định thời gian khi triển khai thực hiện phát triển kinh tế ban đêm. Dự thảo gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định đang theo loại ý kiến này.

Lý giải quan điểm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng đang thực hiện quy trình, thủ tục để xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định số 103/2009.

Hơn nữa, Quyết định 1129/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã đặt ra yêu cầu chủ động phát triển kinh tế ban đêm, do vậy thời gian có thể thay đổi theo những quy định đặc thù đối với từng địa phương khi được trao thẩm quyền quyết định và quy định tại các văn bản chuyên ngành.

Dự thảo mới nhất vẫn đề xuất phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi "phổ biến phim ngoài khoảng thời gian theo quy định tại rạp chiếu phim; địa điểm chiếu phim công cộng trừ phương tiện vận tải hành khách công cộng".

"Việc quy định như dự thảo nghị định đáp ứng được yêu cầu về tính thống nhất và đồng bộ của các quy định pháp luật và yêu cầu thực tế đặt ra khi thực hiện phát triển kinh tế ban đêm"- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay.

Như Dân trí thông tin trước đó, gồm CGV, BHD, Galaxy và Lotte vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, xin phép được chiếu phim rạp sau 0h.

Các doanh nghiệp cho rằng, hiện hoạt động chiếu phim đang bị hạn chế trong khung từ 8h đến 24h hàng ngày. Nghị định số 38 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng với việc chiếu phim ngoài khung giờ đã và đang hạn chế cơ hội thưởng thức các tác phẩm điện ảnh tại rạp của một bộ phận khán giả.

Phạt nặng nếu không bảo đảm tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam

Dự thảo nghị định đề xuất phạt tiền từ 40- 60 triệu đồng đối với hành vi không bảo đảm tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam; thời lượng và khung giờ chiếu phim cho trẻ em; tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam so với phim nước ngoài.

Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi của hoạt động điện ảnh có nội dung: Xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; thể hiện không đúng, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Việc tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về an ninh mạng; gây tổn hại đến các giá trị văn hóa, lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam; truyền bá tệ nạn xã hội; phá hoại văn hóa, đạo đức xã hội; thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc cũng bị xem xét xử phạt từ 40-50 triệu đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ các hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh từ 1-3 tháng.

Thế Kha