Vì sao bệnh viện hàng nghìn người khám mỗi năm, càng làm càng thâm hụt?

Tin Y tế - Ngày đăng : 21:31, 29/09/2022

Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức, TPHCM) đã có buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM. Từ câu chuyện tự chủ tài chính đến nay, lãnh đạo bệnh viện xác nhận những khó khăn, vướng mắc khiến bệnh viện càng làm càng thâm hụt.

Chiều nay (29.9), Đoàn đại biểu quốc hội TPHCM đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh khảo sát “Về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công trên địa bàn TPHCM giai đoạn 1.1.2020 - 30.6.2022”. 

 
Khu vực cấp phát thuốc tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: Nguyễn Ly

Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TPHCM - cho biết, bệnh viện được giao quyền tự chủ chi thường xuyên từ năm 2016 đến nay đã được 6 năm. Trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận điều trị và khám cho khoảng 600 nghìn bệnh nhân. Từ bệnh viện đa khoa tuyến quận, năm 2016, bệnh viện đã trở thành bệnh viện đa khoa hạng 1.

Để phát triển được cơ sở vật chất và nâng cao đào tạo cán bộ y tế chất lượng cao, chi phí hàng năm cho đào tạo khoảng hơn 3 tỉ đồng, sau đó hàng loạt các chi phí như: Hạ tầng, điện, nước, chất thải sinh hoạt, máy móc, trang thiết bị y tế, công nghệ thông tin…

Tuy nhiên, giá thu hiện nay của bệnh viện áp dụng đối với bệnh nhân không có thẻ BHYT và với mức giá được tính 4 phần/7 phần, 3 phần còn lại (chi phí nhân sự gián tiếp, khấu khao thiết bị, máy móc, chi phí đào tạo, nghiên cứu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng) chưa được tính đúng, tính đủ vào cơ cấu giá.

Trong khi đó, giá thu chưa bao gồm phần hao hụt trong quá trình bảo quản, cấp phát thuốc và vật tư. Việc này dẫn đến càng làm càng thâm hụt và không có nguồn để tái đầu tư cơ sở vật chất, khi máy móc thiết bị ngày càng lạc hậu, không nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, không có nguồn đào tạo nhân lực và thu hút nguồn lực có chất lượng cao.

Chứng minh rõ hơn về câu chuyện càng làm càng hao hụt, Th.S Hoàng Thị Thanh Kiều - Trưởng phòng tài chính, Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho hay, hiện nay, bệnh viện ký hợp đồng với cơ quan của BHYT theo đơn giá dịch vụ cung cấp. Trong khi đó, giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT và thanh tra lại căn cứ trên định mức xây dựng cơ cấu giá.

Số tạm ứng cho đơn vị 80% chi phí khám bệnh BHYT dựa vào quý trước để cho đơn vị hoạt động vào cuối tháng đầu tiên của quý sau là không đủ. Số tiền 20% chờ quyết toán (3 tháng), phần vượt dự toán năm sau mới được xem xét. Số chi phí chờ thẩm định, quyết toán này rất lớn. Trong khi đó, có nhiều khoản phải chi trả theo từng tháng nên rất khó khăn.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM - chia sẻ, thực tế đơn vị muốn phát triển thì phải có dư, thu nhiều hơn chi. Nhiều đơn vị hiện nay, kể cả trường học, bệnh viện, ban đầu thu nhiều hơn nhưng dần dần cơ sở vật chất xuống cấp, hư hao trang thiết bị, phải mua sắm đầu tư nên thâm hụt, dẫn đến hoạt động gặp khó khăn.

"Nhiều quy định cũng chưa hợp lý, chưa phù hợp. Bên cạnh đó, thành phố còn ảnh hưởng của dịch, thời gian dài bệnh viện không có thu nhưng phải đảm bảo thu nhập cho nhân viên" - bà Văn Thị Bạch Tuyết nói và ghi nhận những kiến nghị của Bệnh viện Lê Văn Thịnh.