Bão lũ dồn dập: Người dân miền Trung khóc cạn nước mắt khi tránh bão về, nhà không còn mái
Nhịp sống - Ngày đăng : 10:17, 29/09/2022
Đi tránh bão về, nhà không còn mái
Sau đêm sơ tán tránh bão, chị Trần Thị Mỹ Lan (42 tuổi, ngụ xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cùng hai con lên xe trở về. Bước đến đầu ngõ, chị Lan không tin vào mắt mình, căn nhà đã không còn nguyên vẹn. Bão đã cuốn bay mái của nhà chị. Tài sản trong nhà thì bị ngâm nước. Ba mẹ con bất lực, nhặt từng thứ nhỏ nhặt, sắp ngăn nắp rồi ngồi khóc.
Cách nhà chị Lan chừng 10 phút đi xe, căn nhà của vợ chồng ông Lương Đình Hoàng (64 tuổi, ngụ xã Tam Phú) cũng “đi theo cơn bão”. Đi vào bên trong, mái nhà trống hoác. Vợ chồng ông cùng con gái út tranh thủ dọn dẹp những thứ còn sử dụng được.
“Vừa về đến nhà, trước mắt tôi là căn nhà tan hoang, phần mái bị bão cuốn bay chặn đứng trước cửa. Chỉ sau một đêm, căn nhà cũ kỹ gắn bó với hai vợ chồng 20 năm như đống đổ nát” - ông Hoàng tiếc nuối.
Biết cơn bão rất mạnh, trước khi đi sơ tán, vợ chồng ông cố gắng chằng chống thật kỹ. Thế nhưng chuyện ông lo lắng nhất cũng đến. Rồi đây vợ chồng ông lại vay mượn để sửa nhà. “Đứt hết ruột gan, tôi cố gắng lắm rồi mà không giữ được. Biết là bão mạnh nhưng suốt đêm trằn trọc hy vọng mọi thứ ổn, rồi không qua được!”, ông Hoàng buồn, nói.
Không chỉ chị Lan, ông Hoàng mà còn hàng trăm người dân miền Trung đang lâm cảnh “mà trời chiếu đất” sau khi từ chỗ sơ tán tránh bão trở về thì nhà đã chẳng cond mái, bao tài sản tích góp cũng theo đó mà tiêu tan.
Bão dữ vừa xong, dân Quảng Nam lại bộn bề với lũ
Sau khi bão số 4 quét qua tỉnh Quảng Nam, người dân còn chưa kịp dọn dẹp thì nước lũ từ các con sông chảy về gây ngập nhà cửa.
Ghi nhận những ngày này, tại ngã tư Kỳ Lý, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, nước lũ chảy cuồn cuộn băng tràn qua đường khiến việc đi lại của người dân khó khăn.
Tại thôn Đàn Long, xã Tam Đàn, nhiều ngôi nhà chìm trong nước lũ từ 0,5 đến 1m. Anh Thân Đức Trung (31 tuổi) cho biết khoảng 5h sáng nay khi bão chưa tan thì anh thấy nước lũ tràn vào sân nhà mình rồi rất nhanh sau đó nước đã dâng cao gần 1m. "Nước lên nhanh, gia đình vừa lo chống chọi với bão dữ xong lại tiếp tục dọn đồ đạc lên cao tránh ngập nước", anh Trung nói.
Còn ông Hồ Văn Hùng (56 tuổi) thì ngao ngán: "Vừa bão xong chưa kịp dọn dẹp chi hết thì đến dọn lụt tiếp theo, khổ quá".
Một số khu vực đồng ruộng, chợ Chiên Đàn, ngã tư Kỳ Lý cũng bị ngập trong nước lũ. Tại con đường ĐT 615, nhiều người dân đã dắt trâu bò của nhà mình đến nơi cao để cột tránh lũ.
Cập nhật đến cuối giờ chiều 28/9 của Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 4 cho thấy bão Noru đã khiến 16 người bị thương (Quảng Trị tám người, Thừa Thiên-Huế tám người). Tổng cộng có 76 nhà bị sập, Quảng Nam nặng nhất với 65 nhà. 2.601 nhà bị hư hại, tốc mái. Trong đó, Thừa Thiên-Huế 419 nhà, Quảng Nam 1.150 nhà, Quảng Ngãi 633 nhà...
Về nông nghiệp, tính chung tám tỉnh, TP chịu ảnh hưởng đã có 66 ha lúa, 558 ha hoa màu bị ngập và 4.862 cây xanh gãy, đổ. Ngoài ra có bốn con gia súc, 720 con gia cầm bị chết, bị cuốn trôi. Một ghe tại Quảng Nam, bốn tàu nhỏ ở Đà Nẵng bị hư hại, chìm tại khu neo đậu.
Về giao thông có 37 vị trí sạt lở tại các tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 49B, một số tuyến đường giao thông địa phương và bốn cầu treo, cầu tạm bị cuốn trôi.
Trên địa bàn tám tỉnh có 10.510 trạm biến áp mất điện tạm thời, đóng điện trở lại trước 17 giờ ngày 28-9.
Và có lẽ những con số liệt kê bên trên vẫn chưa thể hiện hết những mất mát, những đau thương và nỗi thống khổ do mưa bão khắc nghiệt gây ra có lẽ chỉ có người dân sống trong vùng lũ mới thực sự hiểu và thấm thía. Những cơn bão rồi sẽ qua đi, dòng nước lũ rồi sẽ rút nhưng chẳng biết đến bao giờ cuộc sống của người dân miền Trung mới trở lại ổn định như trước và những nỗi đau do thiên tai có lẽ rồi sẽ còn theo họ rất lâu sau này.