Singapore mở 'siêu' nhà ga hiện đại tại sân bay Changi
Tin thế giới - Ngày đăng : 17:35, 29/09/2022
Theo CNN, sân bay Changi ở Singapore từ lâu đã được coi như một điểm du lịch hấp dẫn. Nơi đây không chỉ đơn thuần là không gian thông thường để mọi người làm thủ tục lên máy bay, di chuyển đến địa điểm khác.
Trong một thập kỷ, Changi luôn bất bại với giải thưởng Skytrax "Sân bay tốt nhất thế giới" hàng năm và chỉ để mất ngôi dẫn đầu vào tay sân bay quốc tế Hamad của Qatar vào năm 2021. Năm 2022, sân bay này xếp ở vị trí thứ 3 trong danh sách, sau sân bay Hamad và sân bay Haneda ở Tokyo, Nhật Bản.
Giờ đây, sau khi dỡ bỏ những hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch Covid-19 hồi đầu năm, Singapore bắt đầu quảng cáo rầm rộ để thu hút du khách, trong đó có việc tập trung vào tương lai - mở rộng sân bay Changi.
Chi tiết về nhà ga mới T5 đã được tiết lộ, hứa hẹn sẽ là một không gian mở và hiện đại.
Singapore đang tiến hành mở rộng sân bay Changi, xây thêm nhà ga T5. Ảnh: CNN.
Sân bay như một thành phố
Trong cuộc họp vào cuối tháng 7, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã thông báo rằng nhà ga T5 sẽ tăng thêm sức chứa cho khoảng 50 triệu hành khách mỗi năm. Đó là con số rất lớn khi 4 nhà ga hiện tại đáp ứng khoảng 82 triệu hành khách mỗi năm. Theo đó, nhà ga mới T5 sẽ lớn bằng cả 4 nhà ga cũ ghép lại với nhau.
"Chúng tôi đang xây dựng một sân bay Changi mới và nó rất lớn", ông Lý Hiển Long tiết lộ.
Việc xây dựng nhà ga T5 được thực hiện trong khoảng 2 năm, dự kiến mở cửa cho khách du lịch vào giữa năm 2030. Nằm trong khu phát triển Changi East rộng 1.080 ha, nơi đây sẽ có hệ thống 3 đường băng và kết nối với 4 nhà ga còn lại.
Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết, các kế hoạch cho nhà ga mới bị tạm dừng trong 2 năm vì đại dịch, sau đó mọi thứ được đánh giá lại và thiết kế nhà ga cũng được cải thiện hơn.
"Chúng tôi thấy rằng tương lai của ngành hàng không vẫn tươi sáng. Lưu lượng hành khách đã tăng hơn một nửa so với trước Covid-19. Về lâu dài, du lịch hàng không sẽ tiếp tục phát triển do tầng lớp trung lưu trong khu vực đang mở rộng nhanh chóng. Do đó, chúng tôi quyết định tiếp tục và khởi động lại dự án nhà ga T5", ông nói.
Sân bay Changi đã phục vụ 68,3 triệu hành khách vào năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch. Sau khi nới lỏng các yêu cầu kiểm dịch, lưu lượng hành khách đạt 55% mức trước đại dịch vào tháng 7/2022.
Sân bay Changi đã phục vụ 68,3 triệu lượt hành khách vào năm 2019. Ảnh: Changi Airport Group.
Thủ tướng Singapore cho biết, thiết kế nhà ga T5 có tính đến những thách thức của đại dịch gần đây và có thể mở rộng quy mô, cho phép cách ly hành khách khỏi các chuyến bay khác nhau để hạn chế lây nhiễm chéo. Sân bay cũng sẽ trang bị hệ thống không tiếp xúc tại các điểm tiếp xúc của hành khách, cùng hệ thống thông gió tăng cường.
Về tính bền vững, nhà ga sân bay sẽ có các tấm pin mặt trời và hệ thống quản lý tòa nhà thông minh. Việc làm mát khu vực kết hợp với tích trữ năng lượng nhiệt sẽ được triển khai trong tòa nhà.
"Khi hoàn thành vào giữa năm 2030, nhà ga T5 sẽ cho thế giới thấy Singapore là một nơi như thế nào", ông Lý Hiển Long nói.
Nhà ga đang được thiết kế bởi các công ty kiến trúc toàn cầu KPF và Heatherwick Studio. Theo thông tin được công bố, nhà ga mới là một phần mở rộng trực quan của chính Singapore. Đây không chỉ là một mái nhà khổng lồ, mà còn là không gian xã hội quy mô, mang đến những trải nghiệm khác nhau.
"Ý định của chúng tôi là xác định lại nhà ga sân bay có thể có những gì?", nhà thiết kế Thomas Heatherwick chia sẻ.
Theo đó, hầu hết sân bay trên thế giới hiện nay không phải là nơi để mọi người dành thời gian lưu lại nhưng Changi luôn khác biệt. Dù không có hình ảnh nào được công bố, đội ngũ thiết kế khẳng định Changi sắp tới là không gian xã hội mà ai cũng muốn ghé thăm, được lấy cảm hứng từ sự pha trộn độc đáo giữa thiên nhiên và thành phố ở Singapore. Đây hứa hẹn sẽ là điểm đến mang tính biểu tượng, đáng nhớ cho du khách.
Lịch sử của sân bay Changi
Sân bay Changi mở cửa vào năm 1981, thay thế cho sân bay Paya Lebar. Đến năm 1986, việc xây dựng nhà ga T2 bắt đầu nhằm đáp ứng lượng hành khách ngày càng tăng, mở cửa cho khách du lịch vào năm 1991.
Chính sự ra đời của một số tiện nghi chưa từng có trước đây thực sự khiến du khách trên thế giới chú ý đến nơi này. Ví dụ, bể bơi ở khu vực quá cảnh đầu tiên trên thế giới đã được thêm vào Changi từ năm 1995. Hay ở đây có thêm một trung tâm tin tức, một rạp chiếu phim và một nhà thi đấu thể thao vào năm 1998.
Nhà ga T3 của sân bay Changi có một cầu trượt lớn cao 12 m và một khu vườn bướm vào năm 2008. Tiếp theo là nhà ga T4 mở cửa từ năm 2017. Sau đó, Changi Jewel khai trương vào năm 2019, mang đến cho người dân địa phương không có kế hoạch đi du lịch lý do để đến sân bay.
Sân bay Changi luôn là một trong những sân bay đẹp nhất thế giới. Ảnh: CNN.
Với vẻ ngoài ấn tượng, hình chiếc bánh được đóng khung bằng thép và kính, không gian rộng 135.700 m2, đây là khu phức hợp đa chức năng kết nối 3/4 nhà ga của sân bay Changi.
Được xây dựng với chi phí 1,7 tỷ đô la Singapore (khoảng 1,18 tỷ USD) và được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Moshe Safdie, Jewel có 10 tầng - 5 tầng trên mặt đất và 5 tầng ở tầng hầm. Điểm thu hút ở đây là xoáy nước HSBC Rain Vortex cao 40 m, chảy qua bầu trời khổng lồ ở giữa toà nhà, được coi như thác nước trong nhà cao nhất thế giới.
Ngoài ra còn có một nhà hát IMAX 11 rạp chiếu phim và Thung lũng rừng Shiseido - khu vườn 4 tầng với những con đường mòn đi bộ nằm giữa cảnh quan rộng hơn 21.800 m2, tất cả đều bao quanh thác Vortex.
Vì vậy, trước khi nhà ga T5 mở cửa, du khách vẫn luôn cảm thấy phấn khích, thấy có nhiều điều cần khám phá ở sân bay Changi.