Nước lũ đục ngầu, ngập ngang mái nhàNhịp sống - Ngày đăng : 15:50, 29/09/2022Hàng nghìn hộ dân ở Nghệ An đang bị mưa lũ bao vây, nhiều nơi nước ngập ngang mái nhà.Trưa 29/9, ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, Nghệ An - cho biết, do ảnh hưởng của bão số 4, trời mưa to, trên địa bàn huyện có khoảng 2.000 hộ dân đang bị cô lập bởi mưa lũ. (Ảnh: T.T).Ông Hoàng Tiến Thọ, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương - cho biết, hiện trên địa bàn xã có khoảng 350 hộ dân bị ngập lụt rất nặng (Ảnh: T.N)."Hiện nhiều hộ dân bị nước lũ gây ngập nửa nhà. So với đỉnh lũ năm 2020 thì chưa bằng, song mực nước lũ vẫn tiếp tục dâng cao. Chúng tôi đã yêu cầu các hộ dân sinh sống ở xứ Cồn Đường, thôn Mỹ Lương khẩn trương di dời về nơi trú ẩn an toàn. Đối với những hộ không chịu di dời, buộc lực lượng làm nhiệm vụ tiến hành cưỡng chế", ông Thọ cho biết (Ảnh: T.N).Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Chương, khoảng 3h sáng 29/9, trong lúc đi thả lưới đánh cá trên sông Lam, anh Nguyễn Hữu Hoàng (SN 1983), trú tại xã Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương) bị nước cuốn trôi. Tại huyện này có khoảng 510 căn nhà bị ngập; 2 điểm trường tại xã Thanh Ngọc và Thanh Nho bị ngập; 5 nhà bị sạt lở phải di dời; một nhà bị đổ sập, hư hỏng hoàn toàn; có khoảng 500m tường rào trường học, nhà dân và trụ sở UBND xã Thanh Ngọc bị đổ sập.Mưa lớn trong ngày và suốt đêm 28/9 đã khiến nhiều xã ở huyện Thanh Chương bị ngập sâu (Ảnh: T.N).Mưa lớn trong nhiều ngày cũng gây nên tình trạng sạt lở đất. Tại xã Thanh Khai, có một nhà dân bị sập hoàn toàn, 12 nhà dân bị đổ bờ rào. Đoạn Rú Nguộc bị sạt lở nghiêm trọng (T.N).Ngoài ra, có gần 5km đường bê tông nông thôn bị sạt lở nghiêm trọng; kênh mương bị sạt lở gần 1km; 170ha thủy sản bị thiệt hại trên 70%; hơn 100 ha rau màu, cây công nghiệp hư hỏng; hơn 500 con gia cầm, trâu bò, lợn bị chết… Thiệt hại ước tính lên tới hàng tỷ đồng. Trong ảnh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương kiểm tra tình hình mưa lũ trên địa bàn (Ảnh: V.L).Tại xã Thanh Mỹ, mưa to gây ngập nặng, có nơi nước dâng ngập tận nóc nhà. Nhiều hộ dân, nước tràn vào nhà, ngập 2-3m, buộc phải sơ tán dân lên trụ sở UBND xã, trạm y tế, trường học. Hiện, huyện đã cử các đoàn công tác xuống những điểm xung yếu để kiểm tra, chỉ đạo và phối hợp cùng địa phương khắc phục các sự cố sạt lở đường, sạt lở núi. Đồng thời, nắm tình hình thực tế để có phương án, kịp thời đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân (Ảnh: N.P).Trường học ở xã Thanh Hà bị ngập, học sinh không thể đến trường (Ảnh: N.P).Nước ngập một nhà thờ ở xã Quỳnh Thanh (Ảnh: Hoàng Thiên).Tại huyện vùng biển Quỳnh Lưu hiện có hơn 2.000 hộ dân bị ngập sâu trong lũ, nhiều nơi bị chia cắt, tập trung chủ yếu ở các xã: Quỳnh Lâm, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Giang, Quỳnh Hồng, Quỳnh Diễn và thị trấn Cầu Giát (Ảnh: Hoàng Thiên).Một số trường học bị ngập nước. Để đảm bảo an toàn, sáng nay (29/9), toàn bộ học sinh học sinh trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đều nghỉ học. Tính đến 10h sáng 29/9 toàn huyện Quỳnh Lưu có hơn 600ha rau màu, 50ha lúa bị ngập, có 50ha ao cá bị tràn; 2/6 tràn ở mức báo động 2 gồm đập Hốc Mét (xã Quỳnh Tam) đã bị sạt lở 20m, đập Bàu Xạ (xã Quỳnh Lâm) nước đã tràn qua thân đập gây ngập nặng cho các khu dân cư (Ảnh: CAQL).Về giao thông đã có một số tuyến đường bị ngập nặng, phương tiện giao thông không di chuyển qua được như tuyến Quốc Lộ 48 (đoạn qua xã Quỳnh Mỹ, Ngọc Sơn), đường liên thôn ở các xã Quỳnh Lâm, thị trần Cầu giát, Quỳnh Diễn… (Ảnh: CAQL).Theo đánh giá của Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão huyện Quỳnh Lưu, nguyên nhân xảy ra ngập lụt là do mưa lớn dồn dập trong thời gian ngắn và trên địa bàn có một số công trình đang thi công dở dang như: Đường cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ ven biển, dự án nâng cấp đê sông Thái, dự án nâng cấp đê sông Mơ… (Ảnh: CAQL).Người dân ở Quỳnh Lưu được cứu trợ khẩn cấp (Ảnh: Q.D).Nguyễn Duy