Vì sao thế giới gọi Noru là typhoon, bão Ian lại là hurricane

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 15:00, 29/09/2022

Dù tính chất của những cơn bão trên thế giới là tương tự nhau, mỗi nơi lại gọi cơn bão theo nhiều tên tiếng Anh khác nhau - gồm typhoon, hurricane và cyclone.
Ảnh vệ tinh bão Ian đang tiến vào bang Florida của Mỹ hôm 27/9. Ảnh: Reuters.

Kể từ cuối tháng 8, khu vực Đại Tây Dương đã hứng chịu những cơn bão như Danielle, Earl, Fiona, mới nhất là bão Ian quét qua khu vực bang Florida của Mỹ và vùng Trung Mỹ.

Cùng thời điểm này, Thái Bình Dương hứng chịu nhiều cơn bão khác nhau, gồm Hannamnor, Muifa, Nanmadol, trước khi bão Noru đổ bộ vào Philippines và Việt Nam.

Trên phương diện quốc tế, có thể thấy tên tiếng Anh khi gọi các cơn bão có sự khác biệt - có thể là typhoon, hurricane, hay cyclone.

Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), dù được gọi với tên typhoon hay hurricane, các cơn bão đều có một tính chất chung - chúng đều là những xoáy thuận nhiệt đới (tropical cyclones).

“Xoáy thuận nhiệt đới là thuật ngữ được các nhà khí tượng học mô tả hiện tượng gió xoáy cấp thấp hình thành trên biển nhiệt đới, có hoàn lưu khép kín”, NOAA viết trên website.

Khi các xoáy thuận mạnh lên với một sức gió nhất định, nó sẽ được phân loại thành bão (typhoon hoặc hurricane).

Tên gọi khác biệt

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), sự khác biệt duy nhất trong việc gọi một cơn bão là typhoon hay hurricane là dựa vào địa điểm xuất hiện của những cơn bão này.

Hurricane là từ được sử dụng để nói về những cơn lốc biển ở Đại Tây Dương, biển Caribe, vùng trung tâm và đông bắc Thái Bình Dương. Ở tây bắc Thái Bình Dương, những cơn bão có sức mạnh tương đương được gọi là typhoon. Trong khi đó, nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương sử dụng thuật ngữ chung là tropical cyclone, bất kể sức gió và thời tiết.

Các cơn bão ban đầu được hình thành dưới dạng áp thấp nhiệt đới, và khi chúng mạnh lên để có sức gió duy trì tối đa vào khoảng 63 km/h, chúng sẽ trở thành những xoáy thuận nhiệt đới. Các xoáy thuận nhiệt đới ở Bắc bán cầu quay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, trong khi các xoáy thuận ở Nam bán cầu quay theo chiều kim đồng hồ.

Nếu sức gió mạnh nhất đạt ngưỡng 119 km/h, nó sẽ được phân loại thành typhoon hoặc hurricane.

Đặt tên cho bão

Các cơn bão được đặt tên để tránh nhầm lẫn và thuận tiện trong liên lạc.

Các cơ quan thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) sẽ chịu trách nhiệm thống nhất tên gọi quốc tế của những cơn bão ở mỗi khu vực cụ thể.

Tại khu vực Đại Tây Dương và đông bắc Thái Bình Dương, có 6 danh sách gồm những cái tên được luân phiên sử dụng để đặt tên cho những cơn bão hàng năm. Điều này có nghĩa tên những cơn bão trong năm 2022 sẽ xuất hiện lại vào năm 2028, theo Channel NewsAsia.

Danh sách này xuất hiện theo thứ tự chữ cái, với tên dùng cho nam và nữ được sử dụng xen kẽ. Khu vực Đại Tây Dương sẽ không sử dụng tên bắt đầu bằng chữ Q, U, X, Y, Z, trong khi Thái Bình Dương sẽ không dùng chữ Q và U.

ten goi cua bao anh 1
Tuyến đường ở Cuba chịu thiệt hại sau khi bão Ian quét qua hôm 27/9. Ảnh: Reuters.

Năm nay, các cơn bão ở Đại Tây Dương đã lần lượt xuất hiện với những cái tên Alex, Bonnie, Colin, Danielle, Earl, Fiona, Gaston, Hermine và Ian. Những cái tên kế tiếp sẽ là Julia, Karl và Lisa. Ngoài ra, vẫn còn những cái tên dự phòng trong trường hợp số lượng cơn bão xuất hiện vượt quá những tên sẵn có.

Trong khi đó, các quốc gia và vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương sẽ đặt tên cho những cơn bão của khu vực này - sau đó được ủy ban về bão của WMO thông qua. Tên các cơn bão sẽ được gọi lần lượt dựa theo bảng chữ cái tên mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ trên.

Chẳng hạn, Lào đã đặt tên cho bão Hinnamnor, sau đó là bão Muifa (Macao), Merbok (Malaysia), Nanmadol (Micronesia), Talas (Philippines), mới nhất là bão Noru (Hàn Quốc).

Tên những cơn bão sắp tới nếu có sẽ lần lượt là Kulap (do Thái Lan đặt), Roke (Mỹ) và Sonca (Việt Nam).

Một ngoại lệ là cơ quan khí tượng Philippines - quốc gia thường xuyên hứng chịu những trận bão ở Thái Bình Dương - cũng sẽ đặt tên riêng cho những cơn bão quét qua nước này, dựa vào khu vực chịu tác động ở đất nước.

Ngoài ra, tên gọi các cơn bão gây chết chóc hoặc thiệt hại nghiêm trọng trong quá khứ sẽ không được sử dụng lại, chẳng hạn bão Katrina (năm 2005), bão Haiyan (năm 2013), bão Irma và Maria (năm 2017), bão Mangkhut (năm 2018).

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Các thảo luận về bão sẽ dẫn đến tranh luận về vấn đề biến đổi khí hậu và tác động đến các cơn bão, chẳng hạn liệu cường độ những cơn bão có mạnh lên khi thời tiết ấm lên hay không.

“Biến đổi khí hậu do các hoạt động của con người khiến bề mặt nước biển ấm lên cũng làm tăng cường độ của những cơn bão”, Matthias Roth, giáo sư khoa Địa lý thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định.

ten goi cua bao anh 2
Một con đường ở Hội An ngập sau bão Noru. Ảnh: Duy Hiệu.

Đồng tình với ông Roth, giáo sư Benjamin Horton của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nói rằng có những bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu làm các cơn bão di chuyển chậm hơn, đồng nghĩa với việc chúng có thể tích tụ và tạo ra nhiều cơn mưa hơn tại một địa điểm.

Theo ông Horton, khí hậu ấm lên cũng làm tăng độ ẩm, hơi nước tích tụ nhiều hơn, và khi những đám mây vỡ ra sẽ gây mưa lớn.

NOAA nói rằng sức gió của các cơn bão có thể sẽ tăng đến 10% nếu nhiệt độ Trái Đất cao hơn 2 độ C so với thời tiền công nghiệp. Ngoài ra, mực nước biển dâng cũng đồng nghĩa với việc triều cường trong các cơn bão sẽ cao hơn, khiến tình trạng lũ lụt thêm nghiêm trọng.

Thủ đô Philippines mưa lớn sau khi bão Noru đổ bộ Mưa to và gió lớn đã xuất hiện tại thủ đô Manila tối 25/9. Tình trạng ngập lụt cũng đã xảy ra tại Polillo, thuộc tỉnh Quezon - nơi bão Noru đổ bộ vào lúc 17h30 cùng ngày.