Hoa hậu kêu gọi từ thiện không đúng quy định có thể gây khiếu kiện
Pháp luật - Ngày đăng : 17:12, 28/09/2022
Hoa hậu Thùy Tiên đang trở thành tâm điểm chú ý sau bài đăng kêu gọi quyên góp từ thiện, ủng hộ các tỉnh miền Trung vào tối 27/9.
Trên trang cá nhân, người đẹp chia sẻ về việc bão Noru đổ bộ, gây nhiều thiệt hại cho người dân. Kèm theo đó, cô kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp cho quỹ từ thiện của bà Phạm Kim Dung - chủ tịch Miss Grand Vietnam.
Nội dung bài đăng đã gây hiểu lầm cho dư luận là hoa hậu này đứng ra kêu gọi quyên góp. Một số người có thể hiểu rằng câu lạc bộ "suối mát từ tâm" là chủ thể kêu gọi từ thiện, cũng có thể có người sẽ hiểu rằng cá nhân bà phạm Thị Kim Dung (chủ tài khoản) là người kêu gọi nhưng chưa biết nội dung cụ thể kêu gọi của bà Dung là gì.
Cũng có quan điểm cho rằng nội dung bài đăng của hoa hậu ngắn gọn và chưa thể hiện nội dung ai là người đứng ra kêu gọi quyên góp ủng hộ từ thiện, ai có trách nhiệm tiếp cận nhận, quản lý, phân phát tiền, hàng từ thiện, những đối tượng nào sẽ được thưởng thụ hưởng số tiền, quà từ thiện từ hoạt động kêu gọi này... Chưa đầy đủ những thông tin, yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Trong nội dung đăng tải, hoa hậu cũng không nói rõ mình là người đứng ra kêu gọi mạnh thường quân đóng góp ủng hộ từ thiện. Người đẹp này cũng không sử dụng tài khoản của cá nhân mình, không thể hiện nội dung là mình sẽ chịu trách nhiệm đứng ra tiếp nhận, quản lý, phân phát hàng quà từ thiện theo quy định pháp luật mà chỉ đưa thông tin chung.
Nội dung kêu gọi không rõ ràng, có thể sẽ tạo ra những tranh chấp mâu thuẫn về mặt dân sự
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính Pháp nhận định, có thể nói rằng bài đăng của hoa hậu này rất có tính "thời sự". Tuy nhiên, pháp luật quy định là sau khi thiên tai xảy ra, xác định được thiệt hại thì mới kêu gọi quyên góp ủng hộ.
Cụ thể Điều 6, Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo quy định "Khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, tùy theo mức độ, phạm vi thiệt hại, việc kêu gọi, vận động đóng góp tự nguyện của các tổ chức được thực hiện theo các phương thức như sau:
1. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện để hỗ trợ Nhân dân và các địa phương bị thiệt hại.
2. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi, vận động tổ chức chữ thập đỏ trong nước và ngoài nước ủng hộ theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động Chữ thập đỏ.
3. Các cơ quan thông tin đại chúng hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố theo quy định của pháp luật.
4. Các quỹ từ thiện kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trên địa bàn thuộc phạm vi hoạt động.
5. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Khi thực hiện vận động nguồn đóng góp tự nguyện, các tổ chức có thông báo trên trang thông tin điện tử hoặc các phương tiện thông tin truyền thông cam kết về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, đối tượng hỗ trợ, thời gian thực hiện hỗ trợ và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt trụ sở chính theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
6. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai kêu gọi, vận động nguồn đóng góp tự nguyện từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố". Điều 17 của nghị định này cũng quy định cá nhân có quyền thực hiện kêu gọi, tiếp nhận, phân phối tiền, hàng từ thiện theo quy định, quy trình, thủ tục luật định.
Như vậy, theo quy định tại Điều 6 và Điều 17 của Nghị định 93 thì có rất nhiều chủ thể có thể đứng ra kêu gọi, vận động nguồn đóng góp tự nguyện để ủng hộ đồng bào đang gặp thiên tai, khó khăn trong đó có các cá nhân, doanh nghiệp, các quỹ từ thiện...
Tuy nhiên khi cơn bão chưa vào đất liền, thiệt hại chưa xảy ra, chưa xác định được thiệt hại xảy ra với cá nhân nào, địa phương nào mà hoa hậu đã kêu gọi từ thiện thì việc kêu gọi là "hơi sớm". Khi đã có thiệt hại thực tế mà người dân, chính quyền địa phương không thể tự khắc phục được thì họ mới cần đến sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các tổ chức cá nhân khác.
Chính vì vậy nghị định mới quy định về điều kiện, thủ tục để thực hiện hoạt động kêu gọi quyên góp vận động từ thiện tránh việc lợi dụng, lạm dụng hoạt động kêu gọi để trục lợi, đánh bóng tên tuổi, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các tổ chức cá nhân.
Điều 17. Nghị định 93 cũng quy định về vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện của cá nhân như sau: Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện; bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Do đó, nội dung thông tin đăng lên mạng xã hội của hoa hậu Thùy Tiên là không rõ ràng và gây tranh cãi. Nếu những người hâm mộ, các mạnh thường quân mà đóng góp tiền vào tài khoản của cá nhân bà Phạm Thị Kim Dung nào đó có thể sẽ tạo ra những tranh chấp mâu thuẫn về mặt dân sự.
Thậm chí, theo Luật sư Cường, sự việc có thể dẫn đến những khiếu kiện trong thời gian tới bởi hoạt động kêu gọi, vận động từ thiện không rõ ràng, không tuân thủ quy định tại Nghị định số 93 của chính phủ hiện nay.