Kịch bản lừa đảo của ‘tập đoàn’ mạo danh TP Bank

Pháp luật - Ngày đăng : 13:40, 28/09/2022

Nguyễn Hoàng Thạch cùng đồng phạm soạn các kịch bản lừa đảo người muốn vay vốn lãi suất thấp, rồi trả lời sẵn câu hỏi mà nạn nhân hay thắc mắc để ứng phó linh hoạt.

Ngày 28/9, Công an quận Tân Phú phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM lấy lời khai Nguyễn Hoàng Thạch (28 tuổi, quê Đồng Nai) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo công an, Thạch là người cầm đầu đường dây mạo danh Ngân hàng Tiên Phong (TP Bank) để lừa đảo hàng nghìn nạn nhân.

Kế hoạch bài bản

Thuê căn nhà 3 tầng trên đường Trần Quang Quá (quận Tân Phú) làm trụ sở, Thạch tuyển 82 nhân viên. Tại mỗi tầng, Thạch chia thành các bộ phận làm việc khác nhau. Họ hoạt động kín kẽ, không tiếp xúc, chia sẻ công việc ở mỗi tầng. Nghi phạm cầm đầu cấm nhân viên tiết lộ thông tin công việc cho gia đình, bạn bè.

Mỗi ngày, Thạch cung cấp cho nhân viên danh sách họ tên, số điện thoại, địa chỉ của "con mồi". Các nhân viên có nhiệm vụ liên lạc để tư vấn, dẫn dụ khách vay vốn với lãi suất 0%, đồng thời kiểm tra việc khách đóng phí bảo hiểm qua bưu điện.

Trong số 82 nhân viên, có những người mới làm việc chỉ được vài ngày. Chưa quen việc, họ được “cấp trên” soạn sẵn kịch bản lừa đảo rồi dán trên bàn làm việc. Các nhân viên khi gọi điện tiếp xúc, tư vấn với khách hàng chỉ cần đọc theo bài đã chuẩn bị trước.

Kịch bản lừa đảo của ‘tập đoàn’ mạo danh TP Bank - 1

Kịch bản lừa đảo của "tập đoàn" mạo danh TP Bank. (Ảnh: Lê Trai)

Nhân viên P.Q.T. (22 tuổi) cho biết đã làm việc ở đây được một tuần. Mỗi ngày, T. sẽ gọi điện thoại tư vấn ngẫu nhiên cho 50 người. Trong số này, có khoảng 2-3 nạn nhân sập bẫy.

Ngoài kịch bản lừa đảo, nhóm này cũng soạn sẵn những câu trả lời mà người vay thường thắc mắc như: Vì sao người vay không trực tiếp đến ngân hàng để làm thủ tục vay vốn; khách hàng sao phải đóng phí bảo hiểm khoản vay; các thủ tục thẩm định, nhận tiền như thế nào? Từ đó, nhóm này luôn ứng phó linh hoạt, tạo niềm tin với nạn nhân.

Sau khi nạn nhân có ý định vay tiền, họ được làm việc với bộ phận thẩm định. Ở khâu này, nhân viên của Thạch xin thông tin, lý lịch của khách hàng để làm hồ sơ vay vốn, thẻ ATM. Sau đó, phía Thạch sẽ thông báo đã chuyển hồ sơ, thẻ ATM giả của khách hàng qua bưu điện và dặn họ làm đúng theo hướng dẫn.

Khi các nạn nhân được nhân viên bưu cục giao hàng, họ kiểm tra thấy có hồ sơ vay vốn, thẻ ATM nên nộp phí bảo hiểm khoản vay từ 1,7 - 3,9 triệu đồng. Tuy nhiên, họ không biết rằng các giấy tờ, thẻ ATM là giả.

Rất nhiều nạn nhân không trình báo

Theo Công an quận Tân Phú, đến thời điểm này, Thạch và đồng bọn khai đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhiều người trên cả nước. Riêng tại TP.HCM, nhóm này lừa hơn 600 nạn nhân.

Tuy nhiên, cảnh sát cho biết có rất nhiều nạn nhân không đến công an trình báo. Thậm chí, khi cất lưới chuyên án, cảnh sát liên hệ với các nạn nhân nhưng nhiều người ngại cung cấp thông tin, số tiền bị lừa.

“Nhiều người cho rằng số tiền 1,7-3,9 triệu đồng là không lớn nên không đi trình báo. Chính vì vậy, tội phạm đánh vào tâm lý này để hoạt động phi pháp”, đại diện Công an quận Tân Phú chia sẻ và đề nghị người dân bị lừa tiền, cần nhanh chóng đến công an khai báo, tránh kéo dài thời gian cho tội phạm tiếp tục gây án.

Kịch bản lừa đảo của ‘tập đoàn’ mạo danh TP Bank - 2

Nguyễn Hoàng Thạch, nghi phạm cầm đầu "tập đoàn" lừa đảo. (Ảnh: Lê Trai)

Theo Công an quận Tân Phú, việc triệt phá đường dây này được thực hiện theo chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an TP.HCM trong công tác tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trong thời gian tới, Công an TP.HCM sẽ mở rộng đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao, đảm bảo an ninh trật tự và cuộc sống của người dân.

(Nguồn: Zing News)