Hầm xương chớ dại cho 3 loại gia vị này vào nồi kẻo nước dùng tanh nồng, khó ăn
Gia đình - Ngày đăng : 07:58, 28/09/2022
Canh xương là món ăn quen thuộc với mọi gia đình. Nước hầm xương có thể dùng để nấu canh, làm nước dùng chan bún, phở...
Để hầm được bát canh xương thơm ngon tưởng đơn giản nhưng cũng cần sự tỉ mỉ. Việc chọn sai gia vị sẽ khiến nồi nước xương có vị dở tệ.
Theo các đầu bếp, có 3 loại gia vị mà bạn không nên thêm vào nồi nước hầm xương vì nó sẽ khiến món ăn có vị tanh, nồng, không ngon.
Tỏi
Tỏi là loại vị được sử dụng trong nhiều món ăn để tăng hương vị. Nhiều người có thói quen phi tỏi cùng hành hoặc gừng rồi cho xương vào xào sau đó mới thêm nước để ninh xương. Đa số cho rằng tỏi có mùi thơm sẽ giúp khử mùi hôi, tanh của xương. Tuy nhiên, đây là một lựa chọn sai lầm. Tỏi sẽ không phù hợp với món nước dùng xương. Nó khiến canh có mùi lạ và khó ăn sau thời gian hầm lâu.
Rượu nấu ăn
Rượu nấu ăn cũng là nguyên liệu thường được thêm vào các món ăn với tác dụng khử mùi hôi và giúp tăng hương vị. Tuy nhiên, loại gia vị này không phù hợp khi dùng với món xương hầm.
Cho rượu nấu ăn vào nồi hầm xương sẽ khiến nước dùng không thơm ngon. Trong suốt quá trình hầm canh, chúng ta sẽ đậy kín vung nồi khiến rượu không thể bay hơi và làm nước dùng có mùi lạ. Trong khi đó, nếu mở vung nồi để rượu bay mùi thì lại làm giảm độ ngon ngọt của nước xương.
Hạt tiêu
Hạt tiêu là loại gia vị đậm mùi, cay nồng thích hợp với các món xào. Với món canh xương, bạn không nên thêm hạt tiêu ngay từ đầu. Ninh xương cùng hạt tiêu sẽ khiến canh mất đi vị thơm ngọt tự nhiên mà chỉ còn đọng lại hương cay nồng.
Ngoài ra, hạt tiêu nấu kỹ sẽ khiến nước dùng mất trong, vị ngon của thịt cũng bị biến đổi khi hạt tiêu ngấm vào trong sau một thời gian nấu dài.
Mẹo hầm xương ngon, nước dùng trong, ngọt
Ngâm xương
Khi mua xương về, bạn đừng đem chần hay nấu ngay. Nên ngâm xương trong nước muối loãng khoảng 30 phút. Cách này sẽ giúp chất bẩn và phần máu còn sót lại trong xương tan hết vào nước. Như vậy khi hầm, phần nước dùng sẽ trong và ngon hơn.
Chần xương
Sau khi đã rửa sạch và ngâm xương trong nước muối loãng, bạn có thể vớt xương ra để ráo.
Đặt một nồi nước lên bếp, bỏ xương vào nồi và thêm một chút gừng thái miếng. Bật bếp đun sôi nồi xương. Khi nước sôi khoảng 2 phút thì tắt bếp. Vớt hết phần xương ra và rửa lại thật sạch bằng nước ấm.
Hầm xương
Khi xương đã được làm sạch, bạn hãy cho vào nồi rồi thêm nước nóng vào nồi. Thêm gừng, gốc hành, một chút giấm ăn và muối vào nồi. Lượng nước sử dụng nên đủ cho cả quá trình ninh xương, tránh trường hợp phải chế thêm nước trong lúc nấu. Nếu phải thêm nước, hãy dùng nước nóng.
Lưu ý, bạn không nên dùng nước lạnh để ninh xương vì nó khiến bề mặt thịt của xương co lại. Khi nấu sẽ mất nhiều thời gian để thịt chín nhừ và không ngon. Sử dụng nước nóng sẽ giúp thịt nhanh chín, nước dùng trong và ngọt hơn.
Khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa, đun liu riu để canh có độ ngọt và không bị đục.
Trong quá trình ninh xương, bạn nên dùng thìa hớt hết phần bọt nổi lên trên mặt nước. Như vậy, phần nước dùng sẽ trong.
Theo Xe và thể thao