Grab kỳ vọng hòa vốn nửa sau năm 2024

Cuộc sống số - Ngày đăng : 22:18, 27/09/2022

Quan chức Grab cho biết công ty kỳ vọng chạm điểm hòa vốn EBITDA trong nửa sau năm 2024.

Lỗ EBITDA điều chỉnh của Grab dự kiến là 380 triệu USD trong 6 tháng cuối năm 2022, cải thiện 27% so với nửa đầu năm. Trả lời các nhà phân tích trong sự kiện dành cho nhà đầu tư, Giám đốc Tài chính Grab Peter Oey cho biết công ty sẽ duy trì lập trường thận trọng trong cách phân bổ và triển khai vốn. Hiện nay, Grab có khoảng 6 tỷ USD tiền mặt và tài sản có tính thanh khoản cao.

Grab cũng kỳ vọng doanh thu tăng từ 45% đến 55% trong năm 2023 và chạm điểm hòa vốn mảng ngân hàng số (digibank) vào năm 2026. EBITDA là chỉ số lợi nhuận trước các khoản thuế, lãi vay và khấu hao.

Grab kỳ vọng hòa vốn nửa sau năm 2024
(Ảnh: Reuters)

Ứng dụng gọi xe số 1 Đông Nam Á lên sàn Nasdaq vào tháng 12/2021 sau khi sáp nhập với một công ty SPAC. Thị giá cổ phiếu Grab giảm 61% trong năm nay, đồng pha với thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư bán tháo bằng mọi giá và đánh giá lại triển vọng tăng trưởng trong bối cảnh lãi suất tăng và kinh tế tăng trưởng chậm. Vốn hóa của Grab còn khoảng 10,8 tỷ USD.

CEO Anthony Tan chia sẻ, công ty sẽ dốc toàn bộ sức lực để cải thiện quỹ đạo lợi nhuận và tăng trưởng theo cách bền vững. Các mục tiêu mà Grab chia sẻ hôm nay phản ánh điều đó.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters tuần trước, Grab tiết lộ công ty sẽ không sa thải lượng lớn nhân sự như các đối thủ đã làm và sẽ tuyển dụng có chọn lọc, tiếp tục tham vọng về lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Lỗ quý II của Grab là 572 triệu USD, giảm từ 801 triệu USD của một năm trước đó. Dù vậy, Grab hạ thấp triển vọng tổng giá trị giao dịch (GMV) trong cả năm do đồng USD mạnh và nhu cầu giao đồ ăn sụt giảm.

Grab hoạt động tại 480 thành phố của 8 quốc gia, hơn 5 triệu tài xế và hơn 2 triệu cửa hàng trên nền tảng. Tương tự đối thủ GoTo, Grab hưởng lợi từ sự bùng nổ của các dịch vụ giao đồ ăn trong suốt dịch Covid-19 nhưng mảng gọi xe lại bị ảnh hưởng và vẫn chưa phục hồi như trước dịch.

Alex Hungate, Giám đốc Vận hành Grab, vạch ra nỗ lực để biến Grab thành “nền tảng theo yêu cầu hiệu quả nhất và lớn nhất Đông Nam Á”. Ông nói Grab tập trung vào hiệu quả sản phẩm, chẳng hạn phân bổ đơn hàng kịp thời giúp tài xế xử lý nhiều đơn hơn. Grab cũng dự định mở rộng chương trình thuê bao hàng tháng; hướng đến khách hàng doanh nghiệp, dịch vụ hàng tạp hóa, quảng cáo và fintech để thúc đẩy lợi nhuận.

Du Lam (Theo Bloomberg, Reuters)