Điểm tin kinh doanh 28/9: VCCI đề xuất giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

Kinh doanh - Ngày đăng : 07:00, 28/09/2022

VCCI đề xuất giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng; rau quả nhập từ Trung Quốc tăng mạnh

- VCCI đề xuất giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với xăng và tối đa 50% thuế giá trị gia tăng (GTGT) với xăng, dầu.

Góp ý cho dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tình với tính cần thiết và cấp thiết của việc ban hành nghị quyết và trao thẩm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể tùy điều kiện thực tế.

VCCI cho rằng, quy định này sẽ tạo điều kiện để Quốc hội, Chính phủ phản ứng nhanh, kịp thời hơn trong việc hạn chế các tác động tiêu cực của việc tăng giá xăng dầu đối với doanh nghiệp và nền kinh tế.

- Rau quả nhập từ Trung Quốc tăng mạnh

Tổng cục Hải quan cho biết, hết tháng 8, cả nước chi gần 1,26 tỷ USD nhập khẩu rau quả, tăng 33,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, riêng thị trường Trung Quốc chiếm 37,52% kim ngạch nhập khẩu rau quả cả nước với kim ngạch 472,83 triệu USD, tăng mạnh 74% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm hơn 200 triệu USD.

Ngoài Trung Quốc, các thị trường nhập khẩu lớn của mặt hàng rau quả như: Hoa Kỳ với kim ngạch 213,5 triệu USD; Australia 104,7 triệu USD; New Zealand 89 triệu USD; Myanmar 73,7 triệu USD; Nam Phi 45 triệu USD; Thái Lan 32,5 triệu USD…

- Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam tăng trưởng 7,2% trong 2022, rủi ro ở phía trước

Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,2% nhờ nhu cầu quốc nội phục hồi mạnh và hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn vững chắc. Nhưng rủi ro còn ở phía trước.

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có buổi họp công bố Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 10/2022 trong đó dự báo nền kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh và GDP sẽ tăng trưởng 7,2% trong năm 2022.

Như vậy, dự báo này thấp hơn mức dự báo 7,5% của chính WB đưa ra hồi đầu tháng 8/2022.

Dự báo được đưa ra trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới chao đảo kể từ cuối tuần trước sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 5 với tổng cộng 5 lần lên tới 300 điểm phần trăm và phát đi tín hiệu cứng rắn hơn trong thời gian tới.

- ADB công bố gói hỗ trợ 14 tỷ USD giải quyết khủng hoảng lương thực

Chủ tịch ADB cho biết hiện là thời điểm phù hợp và khẩn cấp nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực đã đẩy nhiều gia đình nghèo ở châu Á chìm sâu vào đói nghèo.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lên kế hoạch viện trợ ít nhất 14 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến 2025 để xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng trở nên tồi tệ ở châu Á-Thái Bình Dương.

- 'Ông lớn' ngân hàng bắt đầu 'đua' tăng lãi suất

Cụ thể, Vietcombank tăng lãi suất thêm 1 %, lên 4,1-4,4%/năm đối với hình thức gửi tại quầy lãi kỳ hạn 1-3 tháng. Với kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng, ngân hàng này tăng lãi suất lần lượt 0,8%/năm lên 6,4%/năm và tăng 1%, lên 6,4%/năm.

Với hình thức gửi online, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng lên 4,6%/năm, đối với kỳ hạn 3 tháng tăng lên 4,9%/năm, cao hơn 1,2-1,3 % so với biểu mẫu cũ. Còn với kỳ hạn 12 và 24 tháng qua hình thức online có mức lãi suất tăng thêm 1%, mức cao nhất là 6,8%.

Ngân hàng Agribank cũng có bước điều chỉnh mạnh với lãi suất kỳ hạn cao nhất là 4,4%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng tăng lên 6,4%/năm và tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 0,3%/năm.

Một ông lớn khác là VietinBank cũng tham gia vào cuộc đua lãi suất huy động. Lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng của ngân hàng này vừa được điều chỉnh tăng thêm 1%, lên 4,1%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 3-6 tháng tăng lên 4,4%/năm. Với kỳ hạn trên 12 tháng, VietinBank tăng thêm 0,8% so với trước, lên mức 6,4%/năm.

Việt Báo (Tổng hợp)