10 trang bị từng là thời thượng trên ô tô nhưng lạ lẫm với Gen-Z
Xa lộ - Ngày đăng : 19:00, 27/09/2022
Kiểu thiết kế hoặc những tính năng được trang bị trên xe hơi dưới đây có thể không còn tồn tại, thậm chí xa lạ đối với thế hệ lái xe ngày nay, nhưng chúng từng được trang bị cho những mẫu xe siêu hot và đã thay đổi cuộc chơi cho ngành công nghiệp ô tô thời kỳ mà nó xuất hiện.
Dưới đây là 10 trang bị thời thượng của 30-50 năm trước nhưng đến nay đã gần như bị xoá sổ:
1. Đài Cassette
Ra đời từ những năm 1960, băng cassette trên ô tô dần trở thành món trang bị không thể thiếu trên những chiếc xe hơi vào thập niên 70. Tuy nhiên, đến cuối những năm 1980, chúng dần bị thay thế vị trí bằng đầu CD.
Lexus SC430 mui trần đời 2010 là chiếc xe cuối cùng được sản xuất đi kèm với một máy cassette. Nhưng nhiều tài xế Gen-Z ngày nay thậm chí còn không biết máy cassette trông như thế nào.
2. Đài CB
Đài CB là loại phương tiện thông tin rất phổ biến với những người lái xe tải và những người đam mê radio vào những năm 70 của thế kỷ trước. Hệ thống liên lạc vô tuyến hai chiều dân sự khoảng cách ngắn này cung cấp 40 kênh cho lái xe sử dụng một cách tuần tự, có nghĩa là không có kênh CB nào được ấn định cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức cụ thể nào.
Cơn sốt đài CB kéo dài đến những năm 1980, khi nó trở thành một hiện tượng văn hóa, ảnh hưởng đến âm nhạc và phim ảnh. Tuy nhiên, với sự gia tăng của điện thoại di động và internet, đài CB mất dần sức hấp dẫn và người dùng giờ đây đã hoàn toàn từ bỏ chúng.
3. Trần xe kiểu T-Top
Kiểu trần xe hình chữ T (T-Top) là kiểu lai với xe mui trần nhưng vẫn đảm bảo kết cấu cứng chắc cho những chiếc xe hiệu suất cao. Kiểu T-Top được General Motors trang bị lần đầu cho mẫu Tasco năm 1948 và trở nên khá thịnh hành vào những năm 1960.
T-Top cũng giúp người ra vào xe dễ dàng hơn, nhất là với những xe trần thấp. Tuy nhiên, kiểu trần này ngày càng ít xe sử dụng và tuyệt chủng cùng với Chevy Camaro và Firebird thế hệ thứ tư vào năm 2002.
4. Cửa kính chia đôi
Khi nói đến cửa kính chia đôi, người ta nghĩ ngay đến mẫu Chevrolet Corvette 1963, nhưng thực tế thì kiểu bố trí cửa kính này đã tồn tại từ những năm 1930. Lần đầu tiên, các cửa kính được thiết kế kiểu chia đôi là trên Chrysler Airflow năm 1934 và Turret Top năm 1935 của General Motors.
Những mẫu xe nổi tiếng khác cũng được thiết kế với kính chắn gió trước và sau chia đôi gồm Bugatti Type 57SC Atlantic Coupe 1937, Volkswagen “Zwitter” Beetle, 1967 - 1971 De Tomaso Mangusta, 1948 - 1952 Porsche 356, và gần đây là Morgan AeroMax 2005 - 2011. Chúng hiện có giá hàng trăm nghìn đô la tại các cuộc đấu giá.
5. Cửa sổ thông hơi
Cửa sổ thông hơi (Vent windows) là loại cửa sổ nhỏ hình tam giác. Bạn có thể mở cửa sổ thông hơi một góc 45 độ và đón không khí trong lành vào xe. Nhưng hầu hết các xe ô tô hiện nay đều có điều hoà nên việc trang bị cửa sổ thông hơi đã trở nên lỗi thời.
Những mẫu xe được trang bị loại cửa sổ nhỏ này như Pontiac Economy Eight 1933, Buick Encore, Mitsubishi Endeavour, Fiat Grande Punto và gần đây nhất là trên Honda Civic.
6. Động cơ quay
Felix Wankel phát minh ra động cơ quay như là một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp ô tô, vì chúng không cần piston, thanh kết nối và trục cam để hoạt động. Động cơ quay có ít bộ phận chuyển động hơn, chúng chuyển động trơn tru theo chuyển động tròn.
Ngoài ra, động cơ quay có xu hướng đạt vòng tua cao và công suất cao hơn. Ví dụ, mẫu Mazda RX-8 có thể đạt vòng tua 9.000 vòng/phút, sản sinh công suất lên tới 232 mã lực. Tuy nhiên, các nhà sản xuất không thể đáp ứng các quy định về khí thải nên RX-8 2011 là chiếc xe cuối cùng sử dụng động cơ Wankel được sản xuất.
7. Trần xe bằng nhựa Vinyl
Trần xe bằng nhựa vinyl là biểu tượng sang trọng của ô tô khi chúng được giới thiệu từ những năm 1920. Loại vật liệu này sẽ khiến mọi người nghĩ rằng bạn đang lái một chiếc xe mui trần.
Trần nhựa vinyl rất phổ biến ở Mỹ, đặc biệt là trong những năm 1970. Những chiếc xe làm trần bằng nhựa vinyl có thể kể đến như Vauxhall Cavalier 1975-1981, Triumph Dolomite Sprint 1973-1980, Dodge Charger 1968-1970 và Cadillac Coupe De Ville 1977-1984. Sau này, người ta có thể dễ dàng sử dụng decal để tạo ra những chiếc trần xe vinyl như trên.
8. Gương chiếu hậu đặt phía trước
Khác với gương chiếu hậu ngày nay thường được gắn ở cửa trước, gần cột A, những dòng xe như Nissan Silvia thế hệ đầu tiên, Jaguar XK120, Honda S600 và S800, Mazda RX-7 và Cosmo có gương chiếu hậu đặt hẳn lên phía trên, gần nắp ca-pô.
Loại gương này được cho là sẽ giảm thiểu điểm mù, giúp lái xe quan sát phía sau dễ hơn. Tuy nhiên, nó lại vướng víu và bất tiện hơn so với việc để gương ở gần cửa sổ. Hiện nay, rất khó tìm được những chiếc xe có gương kiểu thế này, ngay cả ở Nhật Bản, nơi chúng từng rất phổ biến.
9. Ghế băng dài phía trước
Ghế băng dài phía trước từng là trang bị tiêu chuẩn trên các phương tiện của Mỹ, nhưng ngày nay chúng không còn nữa. Những chiếc xe như Chevrolet Bel Air 1957, El Camino SS 1969, Chevrolet C / K 1973, Cadillac Deville 1972 và Ford LTD Country Squire Wagon 1971 từng sử dụng kiểu ghế này.
Tuy nhiên, các quy định an toàn yêu cầu cài dây an toàn và túi khí khiến ghế băng phía trước không còn phù hợp. Nhưng có những suy đoán rằng, kiểu ghế này với việc cung cấp thêm 1 chỗ ngồi ở phía trước có thể trở lại trong lĩnh vực ô tô điện hoặc ô tô tự lái trong tương lai.
10. Đèn pha Pop-up
Đèn pha ô tô kiểu pop-up hay còn gọi là đèn "cụp-xoè", đèn mắt ếch là một xu hướng thiết kế rất phổ biến trong thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Điểm thú vị của hệ thống này là có cơ chế "nhắm, mở" như một đôi mắt thực thụ. Cord 810 đời 1935 là chiếc xe đầu tiên có đèn pha pop-up này.
Đèn pha pop-up giúp cải thiện tính khí động học và kiểu dáng của những chiếc xe như Mazda Miata, Chevrolet Corvette, Ferrari 308, Porsche 944 và Lamborghini Miura. Tuy nhiên, do hạn chế về độ nhô ra khỏi thân xe, đèn pha bật lên được nhìn thấy lần cuối trên Lotus Esprit và C5 Corvette đời 2004.
Theo HotCars
Bạn đang sở hữu một chiếc xe độc hay bản độ siêu đẹp? Hãy chia sẻ bài viết cảm nhận, hình ảnh về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!