"Chúng ta có thể sẽ không bao giờ quên được bão Noru"
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:03, 27/09/2022
Hôm nay, ngồi trên máy bay, tôi viết những dòng này, và không ngừng cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất cho miền Trung; cầu mong bạn bè tôi và cả những người miền Trung tôi không hề quen biết, sẽ bình yên qua cơn bão mà tôi dự đoán là lớn nhất lịch sử từng đổ bộ vào đất liền Việt Nam cho đến lúc này.
Tôi đã từng trắng đêm để theo dõi đường đi của nhiều cơn bão lớn, đã từng đưa ra mức cảnh báo "cao nhất", nhưng lần này khi đưa ra mức cảnh báo CAO NHẤT - với từ "cao nhất" được viết hoa, tôi muốn nhấn mạnh rằng, mức cảnh báo CAO NHẤT lần này cao hơn nhiều những lần trước.
Hy vọng sẽ không có người dân nào chủ quan không sơ tán; hy vọng những người theo dõi tôi trên mạng xã hội và đọc bài viết này sẽ kịp thời cảnh báo cho người thân của họ trong vùng bão. Rồi người ta sẽ quên Sangsane, sẽ quên Damrey, sẽ quên Ketsana, nhưng Noru thì không! Nó sẽ là cơn bão lịch sử về sức mạnh, về cấp độ lớn nhất từng đổ bộ vào Việt Nam. Và giờ phút này, tôi chỉ cầu mong nó không để lại dấu ấn lịch sử về thiệt hại.
Mắc kẹt trong rốn lũ
Năm 1999, khi đang là sinh viên ở Huế, tôi cùng một nhóm 4 người bạn ở trọ trong một ngôi nhà cấp 4, lợp ngói ở khu tập thể giáo viên đường Triệu Quang Phục. Đó là khu tập thể của khoảng 50 hộ gia đình. Họ đều là giảng viên của trường Đại học Nông Lâm Huế. Những năm ấy, lụt xảy ra với Huế như cơm bữa nên việc nước lụt lên đường, lên nền nhà là chuyện bình thường. Chúng tôi sống với sự bình thường đó như kiểu nước lên thì người và đồ đạc cùng lên. Mà tài sản của sinh viên thời đấy thì có thứ gì quý giá đâu mà sợ mất mát.
Sáng hôm đó, một ngày đầu tháng 11 năm 1999, nước lụt cũng lên. Nhưng nó lạ lắm! hàng xóm nhốn nháo kêu nhau. Tôi nhìn ra ngoài sân thấy nước lụt màu vàng. Thôi rồi!
Nước lụt màu vàng là nước lũ về rồi. Ở thời điểm đó chúng tôi không nhận được bất cứ thông tin cảnh báo nào về lụt. Trong khu tập thể ấy chỉ có 2 cái nhà là nhà cao tầng còn lại là nhà cấp 4 thấp lè tè được xây từ trước năm 1975. Chỉ trong vòng 1 tiếng, nước đã lên ngang ngực. Chúng tôi giúp một gia đình đưa một cụ bà đến một nhà an toàn.
Lại nghe tiếng kêu cứu của một nhà bên cạnh và chúng tôi lại lội vào đưa hai đứa bé đến nhà cao tầng. Quãng đường đi khoảng 200m thôi nhưng phải đưa người vào một cái xoong quân dụng rất to để không bị ướt. Nước lên quá nhanh và ai cũng không kịp trở tay.
Khi đưa xong các em nhỏ và người già khác đến nơi an toàn thì chúng tôi thấm mệt. Nước đã gần lút đầu người nên chúng tôi phải về nhà. Về tới nhà thì nước lên gần lút cửa chính, trong khi chúng tôi không còn chỗ nào để sơ tán đến cả. Thế là chúng tôi mắc kẹt lại một căn nhà cấp 4, không gạo, không mì tôm, không thực phẩm, không điện, không nến, không đèn pin, không phương tiện liên lạc, chỉ có một hộp sữa ông thọ của đứa bạn quê Quảng Trị 4 đứa chia nhau.
Chúng tôi phải leo lên cái tra, một nơi gần nóc nhà có kê mấy tấm ván để đồ đạc mỗi khi có lụt. Cái tra đó đã cứu chúng tôi thoát khỏi trận lụt lịch sử năm 1999. Đó là những trải nghiệm khó quên trong cuộc đời. Mắc kẹt lụt với cái bụng đói meo mấy ngày liền. Nghĩ đến giờ ký ức còn run.
Tin nhắn từ người lạ và lời cảm ơn sau cơn bão
Vào ngày 1/11/2017, tôi là người đầu tiên đưa tin về bão Damrey vào Nha Trang năm đó với cảnh báo bão rất lớn và người dân phải sơ tán. Tôi nhận được một tin nhắn của người lạ hỏi rằng: "Anh ơi em ở Nha Trang. Bão vào có lớn không anh?" Tôi trả lời rằng bão rất lớn. Phải sơ tán nếu đang ở nhà cấp 4, nhà yếu hoặc lợp tôn. Cô ấy nói "vâng" và tôi cũng lướt qua với các tin nhắn khác.
Bão Damrey năm đó gây thiệt hại khủng khiếp về con người và tài sản ở Khánh Hòa. Tôi đã tiếc rằng đã không đưa được tin cảnh báo đến cho nhiều người hơn trước khi bão vào. Họ, những người ở tâm bão đi qua có thể đã có một trải nghiệm khủng khiếp trong hoang mang như tôi từng trải nghiệm năm 1999. Rồi sau bão tôi nhận được tin nhắn của người đã hỏi tôi trước bão: "Anh ơi! Nhờ anh mà em và con em đã sơ tán khỏi nhà và sống sót. Nhà em bị sập anh ạ!" Tôi rưng rưng nước mắt, bần thần một lúc lâu vì xúc động. Thứ xúc cảm bản năng khó tả thành lời.
Vào các đêm 13-18/10/2020, đó là khoảng thời gian xảy trận đại hồng thủy ở miền Trung, điện thoại của tôi rung lên liên hồi bởi tin nhắn đến. Tôi không đọc hết. Đa số các tin nhắn hỏi về lụt, khi nào hết lụt, và nhiều tin nhắn trong số đó báo về tình hình nguy cấp, về những nơi bị chia cắt, về tình trạng của một vài người hoặc vài nhóm người đang mắc kẹt ở nơi nào đó của Quảng Trị, của Quảng Bình và Hà Tĩnh. Số lượng người cần giúp đỡ quá lớn. Tôi chỉ có cách cung cấp cho họ số điện thoại đường dây nóng, và kết nối các nhóm xuồng cứu hộ tình nguyện đến những nơi đó cứu người. Tôi không biết có bao nhiêu người được cứu. Nhưng tôi tin đã có rất nhiều người được cứu, được sơ tán trong tình huống khẩn cấp như thế.
Vậy thì tại sao nhiều người, trong đó có cả tôi phải trải qua những tình huống khẩn cấp như vậy? Là bởi vì thiếu thông tin cảnh báo hoặc bởi vì nhận được tin cảnh báo nhưng không đánh giá được mức độ rủi ro tại nơi mình sống. Chúng ta chỉ nhận ra mình đang trong tình huống nguy cấp khi mà tình huống đó đã và đang xảy ra. Việc ứng phó với tình huống nguy cấp đó vất vả hơn nhiều so với lúc bình thường và đôi khi việc không đánh giá đúng mức độ rủi ro có thể khiến chúng ta phải trả giá bằng tính mạng của mình.
Đó là lý do mỗi lần bão về, tôi kiên trì với việc soi bão, bất kể đêm ngày, với những bản tin được cập nhật (update) liên tục trên trang cá nhân của mình. Các cơ quan báo đài đưa cũng tốt, những người dân vùng bão đọc được cũng tốt. Chỉ cần có người đọc được cảnh báo của tôi và tự biết bảo vệ mình, tôi sẽ thấy nghề nghiệp của tôi theo đuổi có ý nghĩa.
Với cơn bão Noru, tôi đã đưa ra nhiều bản tin cảnh báo liên tục, không ngừng nhắc đi nhắc lại về sự nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử các cơn bão đổ bộ vào Việt Nam. Tôi tin rằng, tất cả mọi người ở vùng có nguy cơ có bão đã được cảnh báo về mức độ nguy hiểm của cơn bão này, qua báo đài, hoặc qua những kênh dự báo từ các chuyên gia như tôi. Vậy thì chỉ còn việc tự đánh giá rủi ro.
Nếu tự thấy ngôi nhà của mình không an toàn với bão trên cấp 12, nếu ngôi nhà của mình đang ở vùng thấp trũng thì hãy sơ tán. Bão vào ban đêm, điện có thể mất và bạn sẽ không tìm được sự hỗ trợ nào từ bên ngoài. Hãy cân nhắc để không mắc kẹt trong những tình huống khẩn cấp. Hãy chuẩn bị sẵn sàng nhu yếu phẩm và đừng để rơi vào hoàn cảnh như tôi của hơn 20 năm về trước.
Mong tất cả các bạn đều bình an!
Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy là chuyên gia về Biến đổi khí hậu và Ứng phó thiên tai; hiện tư vấn cho nhiều dự án của ADB và USAID. Anh nổi tiếng với việc dự báo thiên tai sớm, chính xác và cập nhật nhanh trên trang cá nhân, được đông đảo người dân quan tâm.