Bão Noru có thể 'quần thảo' trên đất liền 10-12 tiếng
Nhịp sống - Ngày đăng : 12:19, 27/09/2022
Sáng 27/9, Tổng cục Khí tượng thủy văn tổ chức cuộc thảo luận chuyên môn về bão Noru (bão số 4) do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì.
Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) Quốc gia, cho biết để đưa ra các số liệu cảnh báo về bão Noru, đơn vị đã tham khảo sản phẩm dự báo của các đài dự báo quốc tế, trong đó có Philippines; phía bạn có gửi cho tài liệu tham khảo dày hơn 100 trang.
Cơ quan khí tượng thủy văn của Philippines đánh giá, đây là cơn bão mạnh, đạt cấp siêu bão (cấp 16). Bão đã gây mưa lớn trên diện rộng cho nhiều khu vực trên đất liền Philippines, khiến hàng nghìn ngôi nhà bị ngập, hiện thiệt hại chưa được thống kê.
Lúc 10h sáng nay 27/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đánh giá, bão đang ở cấp độ 14-15, giật cấp 17.
Về lịch sử thống kê, theo ông Khiêm, đây là một cơn bão rất mạnh, dự báo là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Bộ, mức độ ảnh hưởng có khả năng tương đương đến cao hơn cơn bão Xangsane năm 2006 đổ bộ vào Đà Nẵng, Quảng Nam.
"Bão đang cách đất liền Quảng Nam, Quảng Ngãi khoảng 320km, với cường độ 14-15, giật cấp 17. Dự báo, từ giờ đến chiều tối nay, cường độ bão vẫn duy trì như vậy. Các đài dự báo quốc tế, trong đó có Nhật Bản đều đánh giá, khi bão cách đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ 50-70km vẫn ở cường độ 14-15", ông Khiêm nói và cho biết thêm, sau khi vào gần bờ, do nước biển nông, ma sát với địa hình nên cường độ bão có giảm, nhưng vẫn rất cao.
Cụ thể, khi bão cập bờ các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định cường độ ở cấp 11-12 (bão rất mạnh); vùng trọng tâm bão là khu vực tỉnh Quảng Nam, phía Bắc Quảng Ngãi ở cường độ cấp 13.
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết thêm, bão Noru có bán kính rộng nên phạm vi ảnh hưởng lớn, mặc dù tâm bão chưa vào nhưng trên đất liền đã bị ảnh hưởng bởi gió mạnh.
"Thời điểm bão bắt đầu ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh nói trên là từ tối nay, thời gian nguy hiểm nhất là 21h-22h đêm nay cho đến sáng 28/9. Như vậy, chúng tôi dự báo, thời gian bão quần thảo trên đất liền là khoảng từ 10-12 tiếng", ông Khiêm nói.
Theo ông, phạm vi ảnh hưởng của bão số 4 rất rộng. Dự báo sẽ có 9/14 tỉnh thành phố miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp, trong đó Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định được dự báo chịu tác động mạnh nhất.
Dự báo bão số 4 sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở các tỉnh miền Trung và Bắc Tây nguyên, với lượng mưa dự báo đến 300-400mm, có nơi trên 500mm gây ra một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định, đặc biệt là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có nguy cơ ngập lụt: Tại Thừa Thiên Huế có 4/8 huyện với 58 xã; Quảng Nam có 6/18 huyện với 75 xã, Quảng Ngãi có 6/11 huyện với 74 xã có nguy cơ ngập lụt với độ sâu trung bình từ 0,3-0,6m.
"Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi của các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định. Cần đặc biệt lưu ý các huyện có nguy cơ rất cao: Phong Điền, Nam Đông, Hương Trà (Thừa Thiên Huế); Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam); Sơn Tây, Tây Trà, Ba Tơ, Sơn Hà (Quảng Ngãi); Đăklei, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông (Kon Tum)", ông Khiêm thông tin.
Cho ý kiến tại cuộc giao ban, chuyên gia Lê Thanh Hải cũng đánh giá, bão số 4 là cơn bão "rất mạnh", tiệm cận cấp độ siêu bão.
Ông Hải lưu ý, mưa lớn do bão có thể trải rộng ở nhiều tỉnh miền Trung. Tại khu vực dự báo chịu tác động trực tiếp của bão cần đề phòng nước biển dâng do bão.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận sự nỗ lực của ngành Khí tượng thủy văn trong công tác dự báo, cảnh báo đối với cơn bão số 4. Ông cũng đánh giá, bão số 4 là cơn bão "hết sức nguy hiểm và rất mạnh".
Ông đề nghị, cơ quan khí tượng tiếp tục theo dõi sát diễn biến cơn bão, ngoài số liệu tự quan trắc được, cần tham khảo công tác dự báo của các đài dự báo quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước để đưa ra các sản phẩm dự báo sát thực tế hơn, kịp thời hơn.
"Chúng ta cố gắng đưa ra số liệu sát thực tế, phạm vi cảnh báo hẹp hơn, thời gian gần hơn, chứ xa và lâu quá, người dân ở vùng dự báo bị ảnh hưởng sẽ cảm thấy mệt mỏi", ông Hà lưu ý.