Doạ nhận 'trát hầu tòa', lừa người phụ nữ gần 12 tỷ đồng

Pháp luật - Ngày đăng : 18:40, 26/09/2022

Bị nhiều kẻ tự xưng là người ở tòa án, viện kiểm sát, cơ quan công an liên tục đe dọa, chị T. sợ hãi chuyển cho chúng 11,9 tỷ đồng.

Ngày 26/9, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử vụ lừa đảo qua điện thoại bằng hình thức giả danh công an, viện kiểm sát để “dọa” nạn nhân.

Các bị cáo hầu tòa tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” gồm Phạm Hương Liên (SN 2000, quê Phú Thọ), Dương Mai Nam (SN 2001, quê Phú Thọ), Mai Thị Hằng (SN 1978, mẹ Nam), Mai Hương (SN 1980, mẹ Liên), Đỗ Thanh Tùng (SN 1990, ở huyện Ba Vì, Hà Nội), Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, ở quận Long Biên, Hà Nội) và Nguyễn Tuấn Thành (SN 2001, ở TP Sơn La).

Hai bị cáo bị truy tố tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" gồm Ngô Thị Khánh Vân (SN 1983, trú tại TP Hà Nội) và Trịnh Thị Thu Phương (SN 1994, trú tại Quảng Ninh).

Tại tòa, một nạn nhân trong vụ án là chị T. (bị lừa mất 11,9 tỷ đồng) cho biết, ngày 25/8/2020, chị nhận được cuộc gọi của nam giới, nói rằng chị T. nhận được “trát hầu tòa” từ TAND TP Hà Nội với lý do nợ thẻ tín dụng quá hạn. Chị T. nói rằng mình không liên quan đến thẻ tín dụng của ngân hàng này.

Sau đó, người đàn ông chuyển máy đến một “cán bộ trực ban”, tự xưng là trung úy Trung.

 “Người này cho tôi xem ảnh zalo, có biển hiệu. Anh ta bảo tôi đợi trong giây lát để kiểm tra trong hệ thống. Trong thời gian chờ, tôi nghe thấy tiếng còi hú và tiếng chân người chạy rầm rập như ở cơ quan công an thực sự. Các đối tượng rất chuyên nghiệp, gồm 4-5 người dùng nhiều cách để dọa dẫm nạn nhân”, chị T. khai tại tòa.

 Doạ nhận 'trát hầu tòa', lừa người phụ nữ gần 12 tỷ đồng - 1

Các bị cáo trong vụ án.

Sau khi bị các đối tượng tự xưng là tòa án, viện kiểm sát, cơ quan công an liên tục đe dọa, chị T. sợ hãi và đã làm theo.

Nạn nhân T. tất toán 14 sổ tiết kiệm và vay thêm tiền của bạn bè, người thân với số tiền hơn 11,9 tỷ đồng. Các đối tượng yêu cầu chị cung cấp mã OTP, thông tin tài khoản ngân hàng rồi chiếm quyền điều khiển tài khoản ngân hàng của chị T.

Cơ quan điều tra xác định, số tiền này sau khi các đối tượng chiếm đoạt thì chia nhỏ thành nhiều tài khoản. Từ các tài khoản đó lại chuyển dồn đến tài khoản của bị cáo Phạm Hương Liên và Dương Mai Nam.

Tại tòa, nạn nhân T. khóc lóc và nói đây là số tiền gia đình làm ăn tích góp cả đời, hiện giờ vẫn còn mang nợ nhiều người thân, bạn bè. Nạn nhân mong muốn HĐXX xem xét và thu hồi được một phần tài sản cho mình.

Các bị cáo khai nhận quen biết với Mai Thị Hoài Thương (SN 1990, quê Phú Thọ, quốc tịch Đài Loan). Thương rủ Tùng, Đạt, Thành, Hương, Hằng, Nam, Liên mở các tài khoản ngân hàng hoặc mượn tài khoản của những người khác rồi nhắn thông tin tài khoản cho Thương để nhận tiền, rút tiền và chuyển tiền.

Để thuận tiện cho việc nhận và chuyển tiền, các đối tượng thành lập nhóm chuyên nhận và rút tiền. Mỗi tháng, Thương yêu cầu các bị cáo nhận và chuyển từ 20-30 tỷ đồng. Các bị cáo đều nhận thức đây là số tiền bất chính, vì Thương không có hoạt động kinh doanh mà chuyển tiền số lượng rất lớn. Cách thức nhận và và chuyển tiền cũng rất bất thường, lòng vòng qua nhiều tài khoản.

Do quá trình tham gia chuyển tiền và nhận tiền bất chính từ Mai Thị Hoài Thương, nên các bị cáo đã liên quan trực tiếp đến đường dây giả danh công an, cán bộ, VKS trong vụ án này.

Cơ quan điều tra đã phong tỏa 10 tài khoản của các bị cáo và thu giữ tiền trong các tài khoản này để phục vụ công tác điều tra vụ án.

HĐXX tuyên án bị cáo Mai Thị Hằng 9 năm tù; Mai Hương 5 năm tù; Phạm Hương Liên 7 năm tù; Dương Mai Nam 7 năm tù; Đỗ Thanh Tùng 4 năm tù; Nguyễn Tiến Đạt 5 năm tù; Nguyễn Tuấn Thành 6 năm tù. Các bị cáo trên phải liên đới bồi thường số tiền chiếm đoạt cho bị hại.

Hai bị cáo Ngô Thị Khánh Vân và Trịnh Thị Thu Phương cùng bị phạt 3 năm tù.

Minh Tuệ