Chủ tịch tai tiếng, kiểm toán tháo chạy, cổ đông ngồi trên lửa

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 15:01, 26/09/2022

Nhiều công ty kiểm toán tháo chạy, không cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp tai tiếng, khiến các cổ đông lo lắng khi giá cổ phiếu tụt giảm không thấy đáy.

CTCP Tập đoàn FLC (FLC) của cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết vừa công bố thanh lý hợp đồng cung dịch vụ kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán An Việt; thay vào đó là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY.

Như vậy, tính từ hồi tháng 4 đến nay, FLC đã có 3 đối tác kiểm toán. Trước Công ty kiểm toán An Việt, Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt là đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính 2021 của FLC. Tuy nhiên, ngày 30/3, đơn vị này bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đình chỉ tư cách kiểm toán cho FLC.

Những năm trước, FLC có các đơn vị kiểm toán khác.

Kiểm toán An Việt rút lui trong bối cảnh FLC gần đây lộ ra nhiều khó khăn, sai phạm, nợ nần,... sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam vì thao túng thị trường chứng khoán hồi đầu năm. An Việt giải thích, công ty này không bố trí được thời gian và nhân sự thực hiện và cung cấp dịch vụ kiểm toán theo quy định của hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán đã ký kết.

Ông Trịnh Văn Quyết

Do trầy trật trong việc thuê kiểm toán và tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin, cổ phiếu của Tập đoàn FLC đang ở trong diện đình chỉ giao dịch từ 9/9.

Không có kiểm toán, FLC nhiều lần phải trì hoãn tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022 do không đủ điều kiện. FLC cũng chưa phát hành được báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 cũng như báo cáo tài chính bán niên 2022 soát xét.

CTCP Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC (GAB) và Chứng khoán BOS (ART) - hai doanh nghiệp liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết - cũng nằm trong tình cảnh trớ trêu khi bị nhiều đơn vị kiểm toán từ chối.

Giải trình HoSE về công văn nhắc nhở việc chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022, GAB cho hay công ty đã liên hệ và thuyết phục nhiều đơn vị kiểm toán đủ năng lực và chuyên môn để thực hiện Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 theo quy định. Tuy nhiên, các đơn vị kiểm toán đều từ chối hợp tác vì lý do khách quan liên quan đến vụ việc cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết.

Đến nay, GAB vẫn chưa tìm được công ty kiểm toán cho mình. Cổ phiếu GAB bị đưa vào diện kiểm soát từ 22/9 do chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm 2022 quá 30 ngày so với quy định.

CTCP Nông dược HAI (HAI) cũng chưa tìm được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021, 2022.

CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) rơi vào hoàn cảnh éo le hơn khi vừa chưa tìm được công ty kiểm toán, vừa không có người đại diện theo pháp luật. ROS bị hủy niêm yết bắt buộc từ 5/9 khỏi sàn HoSE và cũng không được chuyển đăng ký giao dịch trên Upcom.

Cổ đông ngồi trên lửa

Tương tự như các DN thuộc “nhóm FLC”, CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) của bà Đặng Thị Hoàng Yến phải kéo dài quá thời gian quy định công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2022.

Đối tác kiểm toán lâu năm của ITA là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY Việt Nam) hồi cuối tháng 7/2022 đột ngột chấm dứt hợp đồng, trong bối cảnh công ty của chủ tịch Đặng Thị Hoàng Yến có nhiều tai tiếng liên quan tới việc “tạm ứng, chuyển tiền đầu tư tại Mỹ”.

Nhà đầu tư chỉ nên mua cổ phiếu của các doanh nghiệp chất lượng cao, sở hữu lợi thế cạnh tranh bền vững.
(ảnh minh họa - Hoàng Hà)

Việc một công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (thuộc nhóm Big 4) từ chối kiểm toán một doanh nghiệp khi doanh nghiệp gặp tai tiếng là chuyện khá bình thường trên thế giới.

Tuy nhiên, cùng với nội tại doanh nghiệp gặp nhiều vấn đề, khi các công ty kiểm toán tháo chạy cũng góp phần khiến giá cổ phiếu tụt giảm mạnh, cổ đông lo lắng. Nhiều người lo ngại, tình hình tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp đó đang thực sự "có vấn đề".

Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu FLC lao dốc mất hơn 5 lần, từ trên 20.000 đồng/cp xuống dưới ngưỡng 3.600 đồng/cp và dường như vẫn chưa thấy đáy, khiến nhiều cổ đông đang sở hữu cổ phiếu này lo lắng, còn các nhà đầu tư khác thận trọng.

“Cổ phiếu giảm quá sâu, không biết bao nhiêu phiên đã giảm sàn. Tin tưởng vào một tập đoàn bất động sản lớn, có nhiều quỹ đất và chờ vào một cú thâu tóm để cổ phiếu tăng trở lại, nhưng không thấy đâu. Giờ cổ phiếu vẫn giảm không thấy đáy”, ông Thành, một nhà đầu tư ở Thanh Xuân, Hà Nội, thất vọng.

Theo ông Thành, doanh nghiệp minh bạch là rất quan trọng. Đây là một bài học đối với ông khi chọn lựa cổ phiếu.

Với ROS, đây cũng là “bài học nhớ đời” cho nhiều nhà đầu tư F0 khi thua lỗ và mắc kẹt tiền vào một “cổ phiếu lởm” mà không biết bao giờ mới lấy ra được. “Thật sự kinh hoàng. Ngày xưa ROS còn nằm trong nhóm top VN30 mấy năm”, một nhà đầu tư chia sẻ.

Trên thực tế, không ít nhà đầu tư đánh cược vào các cổ phiếu có biến động giảm mạnh để chờ cơ hội “rủi ro lớn, lợi nhuận cao”. Tuy nhiên, không ít các trường hợp chứng kiến túi tiền bốc hơi gần như bằng 0.

Những năm trước, giá nhiều cổ phiếu hot này tăng rất mạnh, đặc biệt khi ông Quyết xuất hiện với các cổ phiếu “nhóm FLC”, nhiều người lãi ngay vài trăm triệu. Sau đó, cổ phiếu biến động mạnh, nhiều người cũng thiệt hại nặng. Bài học rút ra với nhiều nhà đầu tư là cần tìm hiểu kỹ hơn về DN, về lãnh đạo, tránh trường hợp mua giấy chờ lãi.

Ông Hưng, một nhà đầu tư có kinh nghiệm 20 năm trên sàn chứng khoán, cho rằng, các nhà đầu tư chỉ nên mua cổ phiếu của các doanh nghiệp chất lượng cao, sở hữu lợi thế cạnh tranh bền vững. Theo ông, với các DN bị công ty kiếm toán xa lánh, từ chối hay có những đánh giá không tích cực thì cần xem xét kỹ lưỡng trước khi đầu tư.