Romeo và Juliet của Nhật Bản

Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 16:00, 26/09/2022

Vở kịch ''A Night at the Kabuki'' (Một đêm tại Kabuki) đã dựng lại tác phẩm nổi tiếng của Shakespeare bằng cách đổi mới hoàn toàn bối cảnh - sang Nhật Bản thế kỷ 12 - và lấy một album của ban nhạc rock Queen làm nhạc nền.

Vào tháng 4/1975, lần đầu ban nhạc Queen có chuyến lưu diễn tại Nhật Bản. Đó là thời điểm 6 tháng trước khi phát hành album A Night at the Opera (Một đêm tại nhà hát), và họ đã được hàng nghìn người hâm mộ cuồng nhiệt chào đón tại sân bay Haneda ở Tokyo. Sự kiện này vẫn được ăn mừng hàng năm bằng “Ngày Queen” ở Nhật Bản.

11a-5384.png
Suzu Hirose, đóng vai Juliet, và Jun Shison, trong vai Romeo.

Hơn bốn thập kỷ sau, ban nhạc - và album đó, bao gồm cả giai điệu đặc trưng của bài Bohemian Rhapsody - đã truyền cảm hứng cho một vở kịch độc đáo và đầy tham vọng - A Night at the Kabuki. Vở kịch đặt âm hưởng rock của Queen và bi kịch Shakespeare vào câu chuyện lịch sử Nhật Bản. Công chiếu lần đầu tại Nhật Bản vào năm 2019, chương trình đến với nhà hát Sadler’s Wells ở London vào tháng này.

Vở kịch được đạo diễn bởi giám đốc nghệ thuật của nhà hát Tokyo Metropolitan - ông Hideki Noda, người đã viết hơn 50 vở kịch và cũng là một diễn viên. A Night at the Kabuki mạnh dạn đặt cái cũ bên cạnh cái mới, có những bộ kimono thời xa xưa và thanh kiếm samurai, và cũng có cây gậy “chụp ảnh tự sướng”, tạp chí thời trang và bóng bay màu sắc trong một buổi trình diễn hài kịch. Ngoài ra còn có sự cuốn hút từ bốn diễn viên là những siêu sao quốc gia: Takako Matsu - ca sĩ nhạc pop lồng tiếng cho nhân vật Elsa trong Frozen phiên bản Nhật, Takaya Kamikawa – người đóng vai chính trong bộ phim CSI: Crime Scene Talks, Suzu Hirose - được coi là một trong những diễn viên điện ảnh triển vọng nhất trong thế hệ của cô, trong khi Jun Shison là đại sứ thương hiệu toàn cầu của Gucci.

Đạo diễn Noda có ý tưởng khám phá hậu quả sau bi kịch của Romeo và Juliet, đặc biệt là về lời kêu gọi của vở kịch về việc chấm dứt chiến tranh và thù hận. Ông nghe lại các lời bài hát của Queen và nghĩ: “Bằng một phép màu nào đó, tôi có thể sử dụng album như một phần của dự án này”. Cùng với nhà thiết kế âm thanh của chương trình, ông Marihiko Hara, vở kịch đương đại này đã thành công.

Vở kịch lấy bối cảnh không phải ở Verona, Italy mà là ở Nhật Bản thế kỷ 12, vào đầu thời đại samurai, nơi gia tộc Minamoto và Taira đối địch nhau. Phần thứ hai của vở kịch đã tua đến tương lai để kể lại một chương đen tối của thế kỷ 20, khi quân đội Nhật Bản thua trận trong Thế chiến II trở thành tù nhân chiến tranh.

11b-4421.png
Vở kịch là sự kết hợp sáng tạo giữa bi kịch và châm biếm

“Tôi sinh ra ở Nagasaki, 10 năm sau khi Thế chiến II kết thúc, nên tôi biết về hậu quả sau đó”, ông Noda nói. “Cha tôi chỉ nói về những ngày tháng thời chiến khi ông uống rượu. Sau đó, ông sẽ nói tên những người bạn đã chết của mình - có nhiều và tôi vẫn nhớ họ. Chúng tôi không thể nói về những điều này vì chúng tôi đã thua trong chiến tranh. Chỉ mới gần đây, chúng tôi mới bắt đầu lên tiếng”.

Vở kịch cố ý thay đổi không khí từ căng thẳng đến bi kịch, rồi hài hước, sau đó trở lại xung đột. Tính châm biếm đan xen các tình tiết lãng mạn. Romeo và Juliet thậm chí còn quay trở lại để cố gắng khuyên nhủ phiên bản trẻ hơn của họ sau 30 năm.

A Night at the Kabuki kết hợp một số yếu tố của kabuki, một thể loại kịch có từ đầu thế kỷ 17. Nó kết hợp kỹ thuật ngôn ngữ điêu luyện với trang phục thời xưa, bối cảnh hùng vĩ và nhiều chuyển động kịch tính. Khán giả kabuki được khuyến khích đối đáp với dàn diễn viên vào những thời điểm nhất định.