Dự án cầu Như Nguyệt gần 500 tỷ đồng nguy cơ chậm tiến độ vì "đói" mặt bằng Nhịp sống - Ngày đăng : 09:44, 26/09/2022
Tại vị trí xây dựng trụ T7 và T8 còn vướng 15 hộ dân chưa thể giải phóng mặt bằng, khiến việc xây dựng, mở rộng cầu Như Nguyệt kết nối 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có nguy cơ bị chậm tiến độ.
Your browser does not support the video tag. Dự án cầu Như Nguyệt hơn 450 tỷ đồng nguy cơ chậm tiến độ vì "đói" mặt bằng (Video: Quân Đỗ).
Dự án xây dựng, mở rộng cầu Như Nguyệt (cầu Như Nguyệt 2) có chiều dài 1,32km với tổng mức đầu tư 456,3 tỷ đồng. Điểm đầu cầu thuộc xã Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang) và điểm cuối thuộc phường Đáp Cầu (TP Bắc Ninh), dự án thuộc tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.
Sau gần 5 tháng triển khai thi công, đến nay, dự án xây dựng cầu Như Nguyệt 2 đã hoàn thành khoảng hơn 50% khối lượng công việc.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Bá Tráng, Giám đốc điều hành dự án cầu Như Nguyệt cho biết, đơn vị nhà thầu đã hoàn thành nhiều hạng mục thi công như hạng mục kết cấu phần dưới đối với những đoạn đã được bàn giao mặt bằng thi công; xử lý nền đất yếu; nền đường 2 đầu cầu; hạng mục thi công hầm chui; ép cọc bê tông tường chắn...
Trên công trường xây dựng cầu Như Nguyệt 2 đang triển khai đồng loạt 8 mũi thi công, trong đó 2 mũi làm đúc dầm ở dưới sông Cầu, 2 mũi làm đúc và lao lắp dầm trên bờ, 2 mũi thi công tường chắn và 2 mũi thi công đường đầu cầu.
Khoảng 180 nhân công và thiết bị máy móc đang gấp rút triển khai các hạng mục tại cầu Như Nguyệt 2.
Cũng theo anh Nguyễn Bá Tráng, hiện tại, khó khăn lớn nhất của dự án đang bị vướng mặt bằng thi công của 15 hộ dân nằm đúng tại vị trí thi công cầu Như Nguyệt. Nếu không được bàn giao mặt bằng trước ngày 15/10 thì sẽ rất khó đảm bảo được tiến độ đề ra của hợp đồng là trước Tết Nguyên đán 2023.
Sau gần 5 tháng triển khai thi công cầu Như Nguyệt 2, còn 15 hộ dân thuộc phường Đáp Cầu (TP Bắc Ninh) vẫn còn nhà cửa, đất đai trong vị trí xây dựng các trụ T7, T8 và mố M2. Theo tìm hiểu, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải phóng mặt bằng (GPMB) là do có bất cập lớn trong đơn giá đền bù và tái định cư do giá đất tại TP Bắc Ninh tăng quá cao trong thời gian qua.
Cụ thể, hộ thấp nhất chỉ có 27m2, hộ cao nhất là 150m2 nhưng có đến 3 thế hệ với hơn 10 người sinh sống. Giá đất thị trường để tính đền bù cao nhất tại khu vực này là 10 triệu đồng/m2. Trong khi đó, lô đất tái định cư tối thiểu tại địa phương rộng 60m2, đơn giá thấp nhất là 50 triệu đồng/m2.
Số tiền chênh lệch lớn, trong khi các hộ đều là hộ nghèo, điều kiện khó khăn nên đều không thể chuyển đến nơi tái định cư. Hiện nay, UBND TP Bắc Ninh đã đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép triển khai chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đặc thù. Vị trí cầu Như Nguyệt bắc qua sông Cầu (Ảnh: Google Maps).
Quân Đỗ