Noru đạt cấp siêu bão, là một trong những cơn bão mạnh nhất 20 năm qua
Nhịp sống - Ngày đăng : 16:57, 25/09/2022
Chiều nay 25/9, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc về phòng, chống thiên tai (PCTT) Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp chỉ đạo ứng phó với bão Noru.
Tại cuộc họp, ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết, hồi 13h ngày 25/9, vị trí tâm bão đang cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cuối cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17. Đây là cấp bão rất mạnh, sát với cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên).
Theo ông Thái, các trung tâm dự báo bão của Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông đánh giá bão Noru ở cấp siêu bão (cấp 16 trở lên). Dự báo trong khoảng đêm nay, bão Noru sẽ đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 trong mùa mưa bão năm nay.
Trước khi đổ bộ Philippines, bão đạt cấp 16, giật trên cấp 17 (cấp siêu bão). Sau khi vượt qua Philippines, bão suy yếu khoảng 1 - 3 cấp do ảnh hưởng ma sát với địa hình.
Sau khi vào Biển Đông, bão có quá trình mạnh trở lại, lúc này bão ở giai đoạn "trưởng thành". Bão có khả năng đạt cường độ mạnh nhất khi đi qua vùng biển phía nam Quần đảo Hoàng Sa với gió giật cấp 13 - cấp 14; giật trên cấp 16.
Dự báo khi vào vùng biển gần bờ, cường độ bão duy trì ở khoảng cấp 13, ảnh hưởng đến đất liền ở khoảng cấp 12 - cấp 13, giật trên cấp 14.
Dự báo từ khoảng chiều và đêm 27/9, bão ảnh hưởng trực tiếp nước ta. Các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định được dự báo là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão Noru.
"Bão Noru là một cơn bão rất mạnh, dự báo là một trong những cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ, tương đương cơn bão Sangxane 2006, bão Ketsana 2009 và bão Molave 2020", ông Thái nói.
Do ảnh hưởng của bão, từ chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16. Sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10m, biển động dữ dội.
Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Trong 3 ngày vừa qua, các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Hà Tĩnh và Nam Trung Bộ có mưa lớn 100-250mm, một số trạm mưa lớn như: Sầm Sơn (Thanh Hóa) 332mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An) 288mm, Xuân Bình (Phú Yên) 233mm.
Đến nay các tỉnh, thành phố ven biển đã kiểm đếm, hướng dẫn hơn 57.000 tàu với hơn 300.000 lao động, trong đó khu vực Bắc Biển Đông, giữa Biển Đông (bao gồm Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) là 739 tàu với hơn 7.400 người;...
Các tỉnh từ Quảng Bình - Bình Thuận đã rà soát và lên phương án sơ tán dân với tổng số hơn 213.000 hộ với 868.000 người. Trong đó các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi, các tỉnh này đã sẵn sàng phương án sơ tán hơn 93.000 hộ với gần 370.000 người tuỳ theo diễn biến của bão.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý, dự báo bão Noru là cơn bão mạnh, di chuyển với tốc độ nhanh, ảnh hưởng trên phạm vi rất rộng.
"Những cơn bão có cường độ lớn cấp 13 đến cấp 16 thì ảnh hưởng rất lớn, nguy cơ gây thiệt hại tới tài sản tính mạng của nhân dân", Phó Thủ tướng nói.
Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung, lãnh đạo chỉ đạo từ sớm, từ Trung ương tới địa phương trong việc ứng phó với bão Noru.
"Trên cơ sở tình hình thực tiễn tại địa phương, phải rà soát kỹ tất cả cơ sở vật chất, cơ sở xung yếu, có giải pháp để thống nhất trước khi bão đổ bộ", Phó Thủ tướng nói.