Điểm tin kinh doanh 26/9: Lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng đồng loạt tăng mạnh
Kinh doanh - Ngày đăng : 07:00, 26/09/2022
- Lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng đồng loạt tăng mạnh
Kể từ ngày 23/9 tới nay, các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng gồm SHB, Kienlongbank, Eximbank, Vietcapital Bank, BacABank, VPBank, ACB... với nhiều kỳ hạn đã chạm trần mới...
Cụ thể, biểu lãi suất tiền gửi áp dụng cho khách hàng cá nhân từ ngày 23/9 của SCB đã được điều chỉnh tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Trong đó, lãi tiền gửi không kỳ hạn tăng từ 0,2%/năm lên kịch trần 0,5%/năm cho phép. Tương tự, lãi tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng trước đó được SCB trả lãi suất ở mức 4%/năm, thì hiện cũng tăng lên 4,9%/năm với kỳ hạn 1 tháng và kịch trần 5%/năm với kỳ hạn 2-5 tháng.
ACB cũng là một trong những ngân hàng đầu tiên công bố biểu lãi suất huy động mới với lãi suất cao nhất dành cho kỳ hạn 1 – 3 tháng đã tăng lên mức tối đa cho phép là 5%/năm, áp dụng cho gói ‘’Tài Lộc’’, lĩnh lãi cuối kỳ. Trước đó, mức lãi suất cao nhất áp dụng cho các kỳ hạn này là 4%/năm.
- 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu ôtô đạt 2,25 tỷ USD
Tính chung 8 tháng năm 2022, cả nước nhập khẩu 96.239 xe, kim ngạch đạt 2,25 tỷ USD. Các thị trường nhập khẩu ôtô lớn nhất đều nằm ở châu Á gồm: Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc.
Thống kê cho thấy các thị trường nhập khẩu ôtô lớn nhất đều nằm ở châu Á gồm: Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc.
Đáng chú ý, tháng Tám, riêng ôtô nhập khẩu từ Indonesia lên đến 10.360 xe, qua đó đưa quốc gia này vượt Thái Lan trở thành nhà cung cấp ôtô lớn nhất cho Việt Nam trong tám tháng đầu năm.
Như vậy, sau tám tháng, cả nước nhập khẩu từ Indonesia 38.469 xe, với kim ngạch 556 triệu USD; Thái Lan là 37.748 xe, kim ngạch 749,3 triệu USD và Trung Quốc là 13.198 xe, kim ngạch 535,87 triệu USD.
Qua thống kê, riêng 3 thị trường chủ lực chiếm đến 93,66% tổng lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước.
- Vietnam Report: 96,1% doanh nghiệp đang chịu áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất
Theo khảo sát của Vietnam Report, có đến 96,1% doanh nghiệp đang chịu áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất; đặc biệt, cường độ áp lực tại 1/3 số doanh nghiệp này đang ở mức rất cao. Các khoản gia tăng chi phí sản xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong các tháng cuối năm bao gồm: lãi suất ngân hàng, tỷ giá hối đoái, giá xăng dầu, chi phí logistics trên thị trường quốc tế và mặt bằng thuế…
Cụ thể, Vietnam Report dẫn chứng, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ cao trên thế giới. Tính đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124% - mức cảnh báo nhiều khả năng các khoản vay sẽ trở thành nợ xấu trước làn sóng phá sản của doanh nghiệp.
Số liệu thống kê này đã phần nào phản ánh sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Đó cũng là lý do, Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định nới room tín dụng cho một số tổ chức tín dụng, khơi thông dòng vốn cho sản xuất để giảm phần nào sức ép từ chi phí lãi vay của doanh nghiệp.