Nhiều trẻ sau mắc COVID-19 dễ chuyển nặng khi mắc các bệnh hô hấp
Tin Y tế - Ngày đăng : 15:02, 25/09/2022
Từ khi còn nhỏ, em Nguyễn Minh Sơn (5 tuổi, ngụ tại TPHCM – tên nhân vật đã được thay đổi) mỗi lần mắc các bệnh lý về đường hô hấp như khó thở, ho và sốt thường đến bệnh viện khám và được cho thuốc về nhà. Chính vì vậy, gia đình cũng yên tâm về tình trạng sức khoẻ của con khi mắc bệnh.
Tuy nhiên, đợt ốm này khiến gia đình chị D. - mẹ bệnh nhi, vô cùng lo lắng. Bé sốt liên tục, đau cổ và uống thuốc hạ sốt không giảm. Gia đình đã đưa con đi khám phòng khám tư gần nhà và được chuyển cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM.
“Những lần trước đó chỉ uống hạ sốt là ổn, thở khó thì thở khí dung nhưng đây là lần đầu tiên phải nằm viện. Và ngạc nhiên là lần đầu được bác sĩ chẩn đoán con bị hen suyễn, trong khi đó gia đình không có ai bị hen suyễn, bé có bệnh nền viêm da cơ địa và dị ứng”, chị D. chia sẻ.
BS.CKII Trần Quỳnh Hương - Khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM, cho biết, đối với trường hợp của con chị Duyên hay nhiều bệnh nhi khác tại đây, chúng tôi nhận thấy không ít trẻ từng mắc COVID-19, khi bị chẩn đoán hen suyễn trẻ sẽ khởi phát khi cơn nhiễm siêu vi nhiều.
Đối với những trẻ em có bệnh lý nền sẵn, đặc biệt đã từng mắc COVID-19 là bệnh lý siêu vi nên có thể gây di chứng về bệnh hô hấp, khi mắc bệnh tỉ lệ nặng hơn so với trẻ bình thường. Thời điểm tháng 9 học sinh đi học trở lại nên số lượng trẻ nhiễm bệnh tăng.
"Trong các bệnh lý về hô hấp, với những trẻ có cơ địa dị ứng, nổi mề đay, viêm mũi dị ứng, nếu mắc COVID-19, trẻ mắc bệnh hen suyễn sẽ tăng nguy cơ phản ứng viêm. Khi siêu vi tấn công, biểu hiện của cơn hen suyễn xuất hiện rõ ràng hơn”, bác sĩ Quỳnh Hương nói thêm.
Phụ huynh cần chủ động phòng ngừa và hạn chế khả năng lây lan bệnh về hô hấp
Theo Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, hiện nay, nhiều bệnh nhi nhập viện với các triệu chứng ho, sốt, khó thở đa phần sẽ được điều trị theo triệu chứng. Liên quan đến virus Adeno có làm tăng tỉ lệ chuyển nặng hay không thì hiện tại đa phần các bệnh viện đều không làm xét nghiệm cho trẻ, bởi cũng cùng là phương pháp điều trị theo triệu chứng.
Đối với những trẻ có bệnh lý nền đi kèm như tim bẩm sinh, bệnh gan, huyết học, thận hư…, khi nhiễm virus hô hấp cấp thường nặng. Đặc biệt, bệnh nhi bị tim bẩm sinh thường bị suy tim, ứ máu ở phổi nên dễ bị vi khuẩn xâm nhập, nhiễm khuẩn bệnh viện. Đây là thách thức khi điều trị cho nhóm có bệnh lý nền.
“Trong thời gian này, tỉ lệ thở oxy, thở 80% tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố luôn quá tải, nhưng may mắn đa phần bệnh nhi đều đáp ứng điều trị nên 5-7 ngày có thể ổn định và xuất viện. Phụ huynh cần chủ động giữ ấm cho trẻ, ăn uống đủ dinh dưỡng và vệ sinh thường xuyên nhằm hạn chế khả năng lây bệnh”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.