Steve Jobs phiên bản nữ thành 'siêu lừa xứ Silicon', tài sản từ 4,5 tỷ USD xuống 0 sau 1 đêm
Cuộc sống số - Ngày đăng : 13:28, 24/09/2022
Elizabeth Holmes từng là một một ngôi sao trong giới khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon với mục tiêu cách mạng hóa lĩnh vực xét nghiệm máu. Tuy nhiên, mọi thứ mà cô gái xinh đẹp này tạo ra chỉ là "cú lừa" thế kỷ.
CEO triển vọng với những lời hứa đẹp đẽ và mơ hồ
Elizabeth Holmes sinh năm 1984 tại Washington. Cha mẹ cô đều là những công chức làm việc trong các cơ quan Chính phủ Mỹ, vì vậy mà Elizabeth được hướng tới một đích đến đó là trường Đại học và một công việc ổn định.
Ngày bé, Elizabeth muốn trở thành một bác sĩ phẫu thuật giống người ông Christian Holmes. Tuy nhiên sau đó, cô phát hiện ra rằng mình rất sợ kim tiêm nên đành gác lại giấc mơ này. Dù vậy, cô lại muốn tìm ra một cách thử nghiệm máu hoàn toàn khác. Cũng vì khát khao này quá lớn, cô quyết định đi ngược với mong muốn "một cuộc sống ổn định" của bố mẹ và bỏ ngang đại học Stanford khi 19 tuổi và bắt đầu chinh phục hoài bão riêng của mình.
Và thế là startup Real-Time Cures của cô ra đời, sau này được đổi tên thành Theranos. Trong hơn 12 năm sau đó, cô đã biến Theranos thành một trong những công ty khởi nghiệp có giá trị nhất lịch sử nước Mỹ.
Với startup này, Elizabeth đăng ký bằng sáng chế cho một thiết bị theo dõi máu giúp theo dõi sức khỏe, phân tích máu và thông báo cho người sử dụng biết lượng thuốc phù hợp. Thiết bị này cung cấp một phương pháp thử nghiệm máu mới, được quảng cáo là với chỉ 1-2 giọt máu được lấy trên đầu ngón tay, cho vào ống siêu nhỏ là có thể thực hiện hàng nghìn xét nghiệm và phát hiện được cả bệnh ung thư hay tiểu đường trong thời gian ngắn với chi phí thấp.
Chính phương pháp này đã giúp Theranos của Elizabeth tạo tiếng vang và trở nên nổi tiếng. Cô đã gọi vốn hơn 900 triệu USD. Danh sách các nhà đầu tư góp tiền cho Holmes là niềm mơ ước với mọi startup tại Mỹ: một trong 10 người giàu nhất thế giới Larry Ellison, anh em nhà Waltons của đế chế WAlmart, ông trùm truyền thông Rupert Murdoch. Còn hội đồng quản trị của Theranos thì có sự góp mặt của những chính trị gia tầm cỡ như hai cựu Ngoại trưởng Mỹ: Henry Kissinger, George Shultz và hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry, James Mattis.
Tuy nhiên, tất cả các hoạt động của Theranos, từ nghiên cứu cho đến thử nghiệm đều được giữ bí mật tuyệt đối. Thậm chí, công nghệ của Theranos là độc quyền và không thể được tiết lộ ngay cả đối với các cổ đông của công ty. Dù vậy, điều này không làm mất đi niềm tin mà các nhà đầu tư nổi tiếng đặt vào nữ CEO tài giỏi.
Với thành công có được, 31 tuổi, Elizabeth trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất trong lịch sử của Forbes với 4,5 tỷ USD tài sản còn công ty được định giá 9 tỷ USD. Cô cũng được liệt kê trong danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới và được gọi là "Steve Jobs nữ" khi có phong cách ăn mặc giống hệt huyền thoại công nghệ Steve Jobs với áo cổ lọ màu đen.
Ở thung lũng Silicon, bức chân dung của Elizabeth Holmes được phác họa một cách hoàn hảo. Thậm chí, nữ CEO xinh đẹp này còn trở thành một biểu tượng mới tại nơi mà nam giới gần như làm chủ này.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, bức màn sự thật về Theranos dần được vén lên và đưa ra ánh sáng. Người ta phát hiện ra rằng Elizabeth Holmes đã nói dối. Cô đã đạo diễn và đóng vai chính trong "bộ phim Theranos" kéo dài suốt 12 năm gây dựng và phát triển startup của mình.
Đế chế 9 tỷ USD sụp đổ, đối mặt với vòng lao lý
Năm 2015, các vấn đề xung quanh công nghệ của Theranos bắt đầu lộ diện. Tháng 8, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm và Mỹ (FDA) tiến hành điều tra Theranos. Các nhà quản lý phát hiện công nghệ thử nghiệm máu mới này còn thiếu chính xác và có nhiều sai sót và gọi máy thử máu của Theranos là "một thiết bị y tế không rõ ràng".
Tháng 10 năm đó, tờ Wall Street Journal đăng loạt bài nghi ngờ về độ chính xác của các xét nghiệm thực hiện bởi sản phẩm của Theranos, châm ngòi cho sự sụp đổ của đế chế Theranos. Năm 2016, Forbes hạ ước tính tài sản của Holmes từ 4,5 tỷ USD xuống 0. Năm 2018, Theranos ngừng hoạt động. Một số đối tác và cả cổ đông của Theranos lần lượt rời bỏ và kiện công ty của Holmes. Holmes bị cáo buộc dùng các công nghệ xét nghiệm thông thường để giả mạo kết quả cho cỗ máy không có thật.
Tháng 6/2018, Elizabeth và Balwani (bạn trai tin đồn) bị cáo buộc nhiều tội danh gian lận vì lừa dối các nhà đầu tư, bác sĩ và bệnh nhân. Lý do Elizabeth có thể che giấu trò lừa Theranos là cách cô truyền thông điệp. Holmes luôn xây dựng hình ảnh Theranos không phải một công ty chăm sóc sức khỏe, mà là một công ty công nghệ.
Việc liên tục đưa ra những lời hứa mơ hồ, chưa chắc có thể thực hiện là điều mà các công ty công nghệ vẫn thường hay làm. Họ có thể khiến bạn tin vào những điều tưởng chừng như không thể. Và Elizabeth cũng dùng "chiêu" đó để khiến người khác tin theo mình, thuyết phục nhà đầu tư bỏ tiền để chờ đợi khoản lời lớn trong tương lai, vào một kế hoạch xa vời.
Hơn nữa, nữ CEO sinh năm 1984 còn biết cách tận dụng tâm lý của mọi người qua hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO) để lừa đảo. Cô cho các đối tác tiềm năng thấy rằng, nếu bỏ qua thoả thuận họ sẽ bỏ qua một cơ hội làm ăn béo bở. Cứ thế, cô thực hiện hành vi lừa đảo của mình một cách trót lọt. Âm thầm dùng chiến lược phòng thủ với phương châm “fake it ‘til you make it” (tạm dịch: “nói dối cho tới khi bạn làm được”) với ý nghĩ nếu nói dối đủ lâu, các kỹ sư của Theranos sẽ có thời gian để hiện thực hóa giấc mơ.
Tuy nhiên, cái kim trong bọc sẽ có ngày lòi ra. Sự bao che, hoạt động trong bí mật của Theranos càng khiến cho bong bóng này phình to khi được đổ vào hàng trăm triệu USD, để rồi sau đó phát nổ.
Bồi thẩm đoàn Mỹ ngày 3/1 đã kết án tỷ phú Elizabeth Holmes - người sáng lập và là Giám đốc điều hành công ty Theranos - 4 tội danh trong tổng số 11 tội danh bị truy tố, liên quan âm mưu lừa đảo để lôi kéo các nhà đầu tư tham gia công ty khởi nghiệp chuyên về xét nghiệm máu. Thẩm phán Edward Davila – chủ trì phiên tòa – sẽ tuyên án vào một buổi khác. Hiện ngày tuyên án tù đối với Elizabeth Holmes chưa được ấn định. Song cô phải đối mặt với 20 năm tù và tiền phạt 250.000 USD cộng bồi thường với mỗi tội danh.
Câu chuyện cổ tích của Theranos chấm dứt với một cái kết không có hậu. Sau vụ bê bối này, hình tượng "Steve Jobs phiên bản nữ" của Elizabeth Holmes hoàn toàn sụp đổ. Không những thế, Theranos của cô này thay vì trở thành một “ngôi sao” ở Thung lũng Silicon thì cuối cùng lại trở thành một “vết nhơ” của làng startup.