Adeno virus gây biến chứng nguy hiểm, gia tăng bệnh nhi nhập viện
Tin Y tế - Ngày đăng : 06:45, 24/09/2022
Virus gây biến chứng nguy hiểm
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, từ tháng 8.2022 đến nay, số ca bệnh virus Adeno dương tính phát hiện tại đây tăng cao. Tổng số ca nhiễm virus Adeno ghi nhận trong toàn bệnh viện từ đầu năm 2022 là 1.406 ca bệnh, số ca bệnh nội trú 811 (chiếm gần 58%) với 7 ca tử vong.
Chỉ tính riêng từ tháng 8- 21.9.2022, tổng số ca bệnh virus Adeno phát hiện là 1.316 trường hợp với 738 bệnh nhân nội trú. Tỉ lệ chung trẻ mắc virus Adeno nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú.
“Tôi không biết con mình bị lây nhiễm Adeno virus từ đâu nhưng nghi ngờ lây từ trên lớp học vì lớp con có nhiều bạn bị sốt. Ngày đầu tiên cháu sốt, ho, khò khè nhưng đến 2 ngày sau các triệu chứng đều nặng lên, cháu bỏ bú nên gia đình tôi lập tức đưa cháu vào viện Nhi Trung ương để điều trị”- anh N.V.A (Nam Từ Liêm, Hà Nội), cha của cháu N.Q.A - hơn 1 tuổi - chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động.
Cũng gặp phải tình trạng tương tự, bé P.G.K (3 tuổi) liên tục quấy khóc, mệt mỏi, gục đầu vào vai mẹ và không chịu ăn. Người mẹ sót ruột chỉ biết lắc đầu thở dài: “Đây là đợt ốm thứ 3 của con tôi, từ sau khi dịch COVID-19 tạm lắng. Không mắc COVID-19 thì mắc các bệnh khác, cháu cứ ăn vào mập mạp được một thời gian lại ốm, sút cân, sọp người đi. Nuôi con mà cứ ốm đau liên miên thế này sốt ruột quá” - mẹ bé G.K chia sẻ.
Theo PGS-TS Lê Thị Hồng Hanh - Giám đốc Trung tâm Hô Hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương - virus Adeno chia làm 7 nhóm từ A-G trong đó có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể. Các tổn thương thường gặp nhất do mắc virus Adeno là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hoá (tiêu chảy, nôn, buồn nôn…), viêm bàng quang, viêm não màng não…
Bệnh do virus Adeno gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa Xuân - Hè hoặc Thu - Đông”.
Virus Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.
Virus Adeno có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng - 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.
Trẻ nhiễm virus Adeno thường có các biểu hiện như: Sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hoá. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở.
Virus Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như: Suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bệnh còn có thể để lại các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ như: hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi”- PGS-TS Lê Thị Hồng Hanh nói.
Bệnh viện bố trí 300 giường điều trị
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trước diễn biến các ca mắc virus Adeno tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang có xu hướng tăng cao, Bệnh viện đã nhanh chóng ban hành các tài liệu hướng dẫn về quản lý, phân luồng tiếp nhận, cách ly điều trị và dự phòng lây nhiễm virus Adeno.
Các đơn vị có khám bệnh trong bệnh viện tăng cường phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, chỉ định xét nghiệm xác định căn nguyên phù hợp; kê đơn và hướng dẫn chăm sóc đối với bệnh nhi nhẹ, bệnh nhi điều trị ngoại trú. Đồng thời phân luồng cách ly kịp thời các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Adeno hoặc các trường hợp các xác định nhiễm virus Adeno.
Bệnh viện đã bố trí 300 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhi nhiễm Adeno virus nhập viện theo nhóm bệnh nhẹ, bệnh có tổn thương hô hấp đơn thuần hoặc kết hợp với bệnh lý nền, bệnh kèm theo nặng. Đồng thời, các bệnh nhi nằm viện được chăm sóc và điều trị tại khu vực riêng, không phải nằm ghép, đảm bảo mỗi trẻ một giường bệnh.
Phòng bệnh thông thoáng, khoảng cách giữa các giường bệnh phù hợp, theo quy định; hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Trước thực tiễn số trẻ mắc virus Adeno gia tăng, ngày 21.9, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống bệnh do virus Adeno.
Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch do virus Adeno, triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng. Báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.