Bản tin kinh doanh 24/9: NHNN rút về hơn 110.000 tỷ đồng trước khi tăng lãi suất
Kinh doanh - Ngày đăng : 07:00, 24/09/2022
- Đảo Phú Quý sẽ có xăng trở lại
Liên quan đến việc các cửa hàng xăng, dầu trên huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận hết sạch xăng từ mấy ngày qua, hôm nay 23/9, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận cho biết, các thương nhân đầu mối đang vận chuyển xăng ra đảo Phú Quý.
Trên đảo Phú Quý hiện có 3 cửa xăng dầu đang hoạt động kinh doanh gồm: Cửa hàng xăng dầu Tân Tiến, Cửa hàng xăng dầu Hải Hiền 1 và Hải Hiền 2. Tuy nhiên, do nguồn cung xăng hết, nên tạm thời các cửa hàng trên chỉ bán dầu, không bán xăng cho người dân.
Cục Quản lý thị trường Bình Thuận cho biết, nguyên nhân hết xăng do công ty đầu mối không cung cấp đủ đơn hàng đã đặt nên gây nên tình trạng thiếu hụt tạm thời.
- NHNN rút về hơn 110.000 tỷ đồng trước khi tăng lãi suất
Từ trước khi tăng lãi suất điều hành, NHNN đã áp dụng các chính sách tiền tệ mang tính thắt chặt nhằm giảm cung tiền trong nền kinh tế để kiểm soát lạm phát và tỷ giá.
Đáng chú ý, chỉ trong 7 ngày làm việc trước đợt tăng lãi suất điều hành kể trên, NHNN đã thực hiện bán tín phiếu kỳ hạn 7 và 14 ngày với giá trị lên tới 110.400 tỷ đồng. Giao dịch này đồng nghĩa với việc NHNN đã rút về lượng tiền Đồng tương ứng với giá trị tín phiếu đã bán ra chỉ trong thời gian ngắn.
Ở chiều ngược lại, NHNN vẫn thực hiện mua tín phiếu kỳ hạn ngắn với giá trị bình quân gần 1.000 tỷ đồng/phiên để hỗ trợ thanh khoản cục bộ cho một số tổ chức tín dụng.
- Xuất khẩu tôm 8 tháng tăng trưởng nhưng vẫn âu lo
Theo hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tháng 8-2022, XK tôm Việt Nam đạt hơn 398 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 24%.
Mặc dù ghi nhận tăng trưởng nhưng XK tôm của Việt Nam tính tới tháng 8 năm nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về nguồn cung nguyên liệu, cước phí vận chuyển, giá thành sản xuất tăng cao trong khi nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Mỹ, EU chững trong bối cảnh lạm phát tăng cao, tăng trưởng kinh tế sụt giảm tại các nước này.
8 tháng đầu năm nay, trong cơ cấu các sản phẩm tôm XK của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 75%, tôm sú chiếm 14%, còn lại là tôm biển. XK tôm biển tăng mạnh nhất 78% trong khi XK tôm chân trắng và tôm sú tăng lần lượt 21% và 11%.
Mỹ vẫn là thị trường NK lớn nhất của tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20%. XK tôm Việt Nam sang Mỹ bắt đầu chững từ tháng 5 và giảm liên tiếp từ tháng 6 đến tháng 8. Tháng 8-2022, XK tôm sang Mỹ đạt hơn 68 triệu USD, giảm 27%. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, XK tôm sang Mỹ đạt hơn 619 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ.
- FPT và Ba Huân bắt tay thực hiện tầm nhìn chuyển đổi số doanh nghiệp nông nghiệp
Tập đoàn FPT và Công ty cổ phần Ba Huân chính thức hợp tác chuyển đổi số toàn diện.
Theo thoả thuận hợp tác, FPT sẽ tư vấn cho Ba Huân - một trong những doanh nghiệp hàng đầu về chăn nuôi tại Việt Nam lựa chọn các giải pháp số phù hợp cho tất cả các lĩnh vực hoạt động, gồm chăn nuôi, sản xuất, cung ứng. Bên cạnh đó, FPT tư vấn cho Ba Huân xây dựng sản phẩm, số hóa sản phẩm; quản trị sản xuất tự động; quản trị nguồn lực; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu…
Bước đầu, hai bên sẽ thực thi dự án Hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp SAP ERP S/4HANA. FPT sẽ đồng hành cùng Ba Huân số hoá hệ thống phục vụ chuỗi chăn nuôi, sản xuất 3F (feed, farm, food) bằng ứng dụng SAP S/4 HANA và các giải pháp Made by FPT.
- Tín dụng toàn nền kinh tế tăng gần 10,5%
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, góp phẩn kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
Ngày 23/9, tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III năm 2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đến ngày 16/9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021.
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Qua đó, góp phẩn kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.