'Hết thời', cây xăng rao bán khắp nơi

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 15:57, 23/09/2022

Không ít chủ doanh nghiệp xăng dầu ở nhiều địa phương trên cả nước muốn bán hoặc cho thuê cây xăng để cắt lỗ nhưng hầu như không có giao dịch.

Theo ghi nhận của Dân trí, không ít doanh nghiệp đã âm thầm làm đơn xin đóng cửa cây xăng hoặc bán cầm chừng do không chịu nổi lỗ.

Khó cho thuê

Ông Hà Phiếu, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Xăng dầu Hương Phiếu, đã kinh doanh xăng dầu được 17 năm tại địa bàn Huyện Krông Bông, Đắk Lắk. Mặc dù cả 2 xã là Dang Kang và Ea Yiêng mới có một cây xăng, tiềm năng lớn nhưng ông Phiếu vẫn phải đăng tin cho thuê vì theo lời ông là "lỗ quá chịu không nổi".

Từ tháng 6 đến nay cây xăng hầu như không có chiết khấu, gia đình ông phải cho nhân viên nghỉ việc để tự bán nhưng doanh thu vẫn không đủ duy trì. Đến ngày 21/7, vừa lỗ nặng vừa không có người làm, lại tuổi cao (ông Phiếu năm nay 68 tuổi) nên ông đăng tin cho thuê.

Thua lỗ kéo dài, hàng loạt cây xăng bị rao bán, cho thuê - 1

Doanh nghiệp tư nhân Xăng dầu Hương Phiếu (Đắk Lắk) đăng tin cho thuê đã 3 tháng nhưng không có giao dịch (Ảnh: NVCC).

Lúc mới đăng thì sau vài ngày có 3 người trên thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) gọi điện hỏi giá. Gia đình muốn cho thuê với giá 10 triệu đồng một tháng nhưng họ chỉ trả 5-7 triệu đồng. "Mấy tháng trước còn có người hỏi và trả giá chứ giờ không ai hỏi, giờ 5 triệu đồng người ta cũng không thèm thuê. Vì ai cũng biết là càng bán càng lỗ mà dừng bán thì bị phạt và bị dân chửi", ông Phiếu chia sẻ.

Ông Mai Văn Sức, chủ đại lý bán lẻ Doanh nghiệp tư nhân Xăng dầu Đức Sang tại huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cũng muốn cho thuê cây xăng.

Ông Sức cho biết, cây xăng của gia đình ông hoạt động từ năm 2016 nhưng gần đây việc kinh doanh khó khăn quá nên ông muốn cho thuê với thời hạn 5 năm. Giá thuê mỗi năm là 150 triệu đồng, cọc trước một năm, sau đó mỗi quý đóng tiền một lần. Cây xăng này, theo lời ông Sức, tiêu thụ khoảng 50 m3 mỗi tháng.

"Từ 4 tháng nay, cây xăng lỗ, tôi thì bận nhiều việc, thuê người làm cũng không tin tưởng được nên muốn cho thuê lại. Bí quá nên tôi đăng vậy thôi chứ có ai thuê đâu", ông Sức bày tỏ.

Ông Đỗ Kiên, chủ 5 cây xăng tại Hưng Yên may mắn cho thuê được 4 cây từ trước thời điểm giảm chiết khấu. Hiện còn 1 cây ở vị trí đường nối 2 cao tốc, mỗi tháng trước kia bán khoảng 600 m3, nhưng giờ số lượng giảm một nửa do đang làm đường cao tốc giai đoạn 2. Ông Kiên muốn cho thuê nốt cây này từ mấy tháng nay nhưng đúng lúc khó khăn nên không tìm được khách.

Chị Bích Phượng, chủ 2 cây xăng ở Đồng Tháp muốn bán 1 cây và cho thuê 1 cây nhưng cũng đăng tin suốt nhiều tháng trời vẫn không có giao dịch.

Một doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc có kinh nghiệm làm xăng dầu 21 năm cũng tìm khách để bán hoặc cho thuê lại 2 cửa hàng xăng dầu của mình nhưng không có ai dám thuê.

"Ai mà dám mua hay thuê vào thời điểm này đâu. Bản thân tôi làm 21 năm, còn có xe chở để tiết kiệm chi phí mà không trụ nổi thì làm sao người mới làm có lãi được. Bà chị kết nghĩa của tôi cũng mới làm đơn xin nghỉ bán vì lỗ chồng lỗ, tình trạng này kéo dài thì rất nhiều cây xăng phải đóng cửa", vị chủ doanh nghiệp xăng dầu thở dài.

Khó bán

Một chủ cây xăng trên đường tỉnh lộ 865, ấp Hưng Điền, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đang rao bán cây xăng với giá 7,8 tỷ đồng suốt nhiều ngày nay nhưng không tìm được khách.

Được biết, cây xăng này đã hoạt động từ năm 2015, nằm ở vị trí cắt ngang 2 mặt tiền nên khá đông khách. Nhưng vì lỗ quá nên chủ cây xăng đã xin đóng cửa, ngừng hoạt động từ mấy tháng nay, thuê môi giới đăng tin bán mãi mà không được.

Anh Hà Đức Phương, chủ cửa hàng xăng dầu Cường Huệ tại Bắc Giang, cũng rao bán cây xăng hơn 3 tháng nay mà chưa bán được.

Anh Phương cho biết, lúc mới đăng bán cũng có khách hỏi nhưng trả rẻ quá nên anh không bán. Liên tiếp 3 tháng nay, mỗi tháng cây xăng lỗ từ 50 đến 70 triệu đồng trong khi vốn bỏ vào hơn 10 tỷ đồng. "Nếu tiền đấy chỉ gửi ngân hàng mà không làm gì thì mỗi tháng cũng có vài chục triệu đồng", anh chia sẻ.

"Giờ các cây xăng lân cận cứ vài ngày lại đóng cửa nên khách cứ đổ dồn vào cây xăng nhà mình. Cây xăng của mình mới mở nên đông khách đổ, mình mà đóng cửa nữa thì dân khu vực này không có chỗ để đổ xăng. Vì mình kinh doanh nhiều mảng nên có chỗ bù vào, nhưng nếu kéo dài chắc mình cũng không trụ nổi", anh Phương chia sẻ.

Anh Hoàng Nghĩa, nhân viên của Petrolimex, ở Huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ, từng làm môi giới nhà đất. Vì vậy, Nghĩa được các chủ doanh nghiệp xăng dầu ở địa phương tin tưởng nhờ bán giúp các cây xăng đang thua lỗ.

Trong vai một doanh nhân muốn mua lại các cây xăng, chúng tôi đã được Nghĩa nhiệt tình chia sẻ.

"Anh yên tâm, em là nhân viên xăng dầu nên em biết cây nào mua sẽ lời cây nào mua sẽ lỗ. Có một cây đang rao bán 12 tỷ đồng nằm trên tỉnh lộ 922 thuộc huyện Cờ Đỏ. Cây này mặt tiền rộng 30m, xe container ra vào thoải mái luôn, giấy phép đầy đủ. Giá đất ở đây đang là 2,7 triệu đồng/m2, cây này có 4.100m2 nên tính ra tiền đất đã hơn 11 tỷ, còn tiền xây dựng bồn bể kho bãi nữa thì mua giá 12 tỷ đồng là quá lời", Nghĩa tỏ vẻ chân thành.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi còn sự lựa chọn khác không, Nghĩa cho biết đang có một cây xăng khác nằm gần trung tâm huyện Cờ Đỏ hơn nên giá đang chào là 15 tỷ đồng. Theo lời Nghĩa, cây xăng này là nhượng quyền thương mại của Công ty Dầu khí Nam Sông Hậu, có 4 trụ bơm nhưng Nghĩa đánh giá cây 12 tỷ đồng kia tiềm năng hơn.

Thua lỗ kéo dài, hàng loạt cây xăng bị rao bán, cho thuê - 2

Trạm xăng dầu số 3 (Cần Thơ) được đánh giá "chỉ tính tiền đất đã lời" nhưng mãi không bán được (Ảnh: NVCC).

"Có nhiều người gửi em bán lắm, vì nói thật là họ đang bị lỗ nhiều. Cách đây 2 tháng, em có kết nối giúp 3 chủ cây xăng ở mặt tiền đường quốc lộ 91: một cây 25 tỷ đồng, một cây hơn 11 tỷ đồng và 1 cây 70 tỷ đồng. Bây giờ anh muốn mua thêm ở Cần Thơ hay ở các tỉnh lân cận như Hậu Giang và Kiên Giang thì cứ nói em, tầm 5 cây là chắc ăn sẽ có cho anh trong thời gian ngắn", Nghĩa khẳng định.

Dị biệt

Ngày 21/9, tại hội nghị "Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu", nhiều chủ cây xăng đã chỉ ra những khó khăn về chiết khấu, về điều hành cũng như những bất cập về chính sách xăng dầu hiện nay.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, 2022 là năm dị biệt nhất trong lịch sử kinh doanh xăng dầu của Việt Nam. Đây cũng là năm đầu tiên mức chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bằng 0.

Chính thời điểm dị biệt này, theo ông Bảo, chính sách quản lý điều hành trong lĩnh vực xăng dầu bộc lộ những bất cập. Ông cho rằng đã đến lúc chính sách cần mở hơn cho doanh nghiệp, cần nới rộng biên độ giá trong quản lý điều hành xăng dầu để đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - ghi nhận những phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến quản lý trong lĩnh vực xăng dầu. Ông cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp, trên cơ sở đó tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để hướng đến việc điều chỉnh hài hòa, cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.