Những loại thực phẩm dễ gây ngộ độc nếu không chế biến kỹ

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 18:30, 23/09/2022

Một số thực phẩm nếu không được chế biến kỹ hoặc sử dụng sai cách có thể gây ngộ độc nguy hiểm đến tính mạng. Dưới đây là những loại thực phẩm bạn cần lưu ý khi chế biến để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình.

Đậu cove

Trong đậu cove cũng có độc tố Saponin, nếu không được nấu chín, chất saponin trong đậu sẽ kích thích mạnh hệ tiêu hóa. Ngoài ra, đậu cove còn chứa nitrite và trypsin, có thể kích thích dạ dày trong cơ thể, gây ngộ độc thực phẩm và các triệu chứng viêm đường tiêu hóa. Đậu cove có thể chế biến món xào hoặc luộc, tuy nhiên trong quá trình nấu nhất định phải chín kỹ.

Mộc nhĩ tươi


Mộc nhĩ tươi có chứa chất porphyrin - chất nhạy cảm ánh sáng. Nếu sau khi ăn mộc nhĩ tươi, cơ thể có tiếp xúc với ánh sáng sẽ gây viêm da, ngứa, phù nề, trầm trọng có thể gây hoại tử da. Do vậy để bảo vệ sức khỏe mọi người không nên ăn mộc nhĩ khi còn tươi.

Cà tím


Cà tím có chứa solanine một chất làm giảm hiệu quả hấp thụ canxi của cơ thể. Không những vậy, lượng solanine trong cà tím già chưa chín tương đối cao, rất dễ ngộ độc.

Solanine cơ bản không tan trong nước, do đó dùng các phương pháp như nấu canh, luộc... đều không thể loại bỏ được solanine. Khi nấu cà tím nên thêm một chút dấm ăn để hỗ trợ giúp phá vỡ và phân giải solanine.

Măng


Trong măng chứa nhiều glucid. Chất này khi kết hợp với vị chua trong dạ dày sẽ tạo ra một loại axit có khả năng gây ngộ độc nếu ăn quá nhiều. Tuy nhiên độc chất trong măng sẽ bay hơi dễ dàng khi được nấu sôi.

Để loại bỏ những độc tố có trong măng, sau khi xắt lát mỏng nên đem luộc qua với nước sôi trong khoảng 10 phút. Trong quá trình luộc không nên đậy nắp nồi, để các độc chất trong măng theo hơi nước sôi bay ra ngoài. Sau đó, vớt măng ra và rửa lại dưới vòi nước lạnh, sau đó chế biến bình thường.

Rau chân vịt


Mọi người đều biết rau chân vịt có chứa rất nhiều axit oxalic. Khi ở trong ruột loại axit này sẽ kết hợp với canxi hình thành oxalat canxi. Nó sẽ gây cản trở việc hấp thụ canxi của cơ thể dẫn đến cơ thể bị thiếu hụt canxi.

Do vậy rau chân vịt bắt buộc phải nấu chín để loại bỏ bớt axit oxalic để không cản trở việc hấp thụ canxi. Khi được nấu chín, ăn rau chân vịt sẽ hấp thụ nhiều sắt, canxi và magie hơn.

Rau mầm


Các loại rau mầm có thể chứa vi khuẩn có hại như E. coli, Salmonella và Listeria. Rau mầm được trồng trong điều kiện ẩm ướt, ấm áp, nơi những vi khuẩn này phát triển mạnh. Vì vậy, nếu ăn rau mầm sống sẽ rất dễ bị ngộ độc.

Nếu bạn ăn rau mầm, hãy chọn những loại rau có nguồn gốc đảm bảo, rửa sạch sẽ và đặc biệt phải nấu chín.

Sắn


Sắn cung cấp nhiều tinh bột, song các chuyên gia cảnh báo nó sẽ gây hại đến sức khỏe nếu không biết cách chế biến. Sắn sống chứa glucosides cyanogenic kích thích sản xuất chất hydrogen cyanide rất độc. Nếu một người ăn 150 đến 300 gram sắn sống, nó có thể gây ngộ độc và thậm chí tử vong.

Trước khi chế biến nên lột hết vỏ sắn rồi ngâm vào nước (nước vo gạo càng tốt). Khi luộc mở nắp nhiều lần để chất độc bay hơi bớt, nếu thấy có vị đắng nên bỏ đi. Tốt nhất là ăn sắn luộc với các loại đường, mật để trung hòa axit trong sắn.

2-7919.jpg

Sữa đậu nành

Do trong đậu nành sống cũng có thành phần độc tố, vì vậy nếu sữa đậu nành không được nấu chín, khi sử dụng cũng có thể dẫn đến ngộ độc. Đặc biệt là khi sữa đậu nành được nấu đến khoảng 80°C, chất saponin trong đậu nành gặp nóng sẽ bị giãn nở và bọt nổi lên tạo thành hiện tượng "sôi giả".

Trên thực tế, nếu bạn vừa thấy hiện tượng sôi giả đã ngừng đun các thành phần độc hại như saponin có trong sữa đậu nành sẽ không bị phá hủy hoàn toàn. Điều đó sẽ gây ngộ độc khi sử dụng, thường là sau khi ăn từ 0,5 - 1 giờ có thể phát bệnh, các triệu chứng chủ yếu xuất hiện ở đường tiêu hóa.

Để ngăn ngừa ngộ độc sữa đậu nành sống, khi sữa đậu nành được nấu chín, cần đun nóng đến 100 ° C, trong khoảng 10 phút trên lửa nhỏ, lúc này có thể an toàn sử dụng sữa đậu nành.