Thăng trầm của một nghệ nhân: Người 'tái tạo' Chúa Trời
Dòng chảy - Ngày đăng : 12:00, 23/09/2022
Phục sinh tranh thánh đường
Trong dịp chúng tôi đến với nhà thờ Núi Bổng, Giáo phận Bắc Ninh (Yên Dũng, Bắc Ninh), thật tình cờ, hiệu ứng ánh sáng kỳ diệu phát ra từ bức tranh kính Đức Maria, cùng 4 vị thánh sử đẹp như thiên đường. Sau cuộc trò chuyện với linh mục quản xứ Francis Nguyễn Huy Liệu, chúng tôi biết được, những bức tranh hiện diện tại nhà thờ Núi Bổng, được điêu khắc bởi bàn tay khéo léo của nghệ sỹ Vinh Coba.
Hình ảnh Vinh Coba đang giới thiệu về các tác phẩm nghệ thuật của ông |
Qua cuộc điện thoại, chúng tôi dễ dàng tìm được xưởng tranh của Vinh Coba tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Vinh Coba hiếu khách, đón chúng tôi khi vừa dừng xe. Trước mắt chúng tôi là người đàn ông với khuôn mặt phúc hậu, mái tóc bồng bềnh. Từ cổng vào, Vinh Coba bày biện những bức tranh kính thành tường rào. Phía trong là các bức hoạ Chúa Trời và các vị thánh đậm nét Thánh đường Công giáo.
Sinh ra và lớn trên mảnh đất Hà Đông, chỉ cách nhà thờ Giáo xứ Hà Đông, Tổng giáo phận Hà Nội vài bước chân. Dù không phải tín đồ Công giáo, nhưng Vinh Coba ngày ngày lui tới ngôi thánh đường này để chiêm niệm về các vị Thánh qua những bức tranh kính. “Từ bên trong nhà thờ nhìn ra, các vị thánh thiên thần quây quần bên Chúa hiện trên kính đẹp lung linh đầy vẻ tôn nghiêm. Khi màn đêm buông xuống, nhà thờ bật đèn, nhìn từ phía ngoài hiển thị vẻ huyền ảo đậm chất cổ kính”, ông nói.
Bức tranh kính bị vỡ của nhà thờ Công giáo được ông tái tạo |
Năm 1967, Vinh Coba sơ tán vào khu vực nhà thờ Giáo xứ Thạch Bích, Tổng giáo phận Hà Nội (Thanh Oai, Hà Nội). Không chỉ ngắm những ngôi thánh đường, ông còn lượm những mảnh kính vỡ khi nhà thờ xuống cấp bởi thời gian, chiến tranh... Và ông tự hỏi, vì sao những mảng màu hằn trên kính trải qua mưa nắng nhiều năm không hề phôi phai? Bên cạnh đó là những bài thánh ca du dương, thánh thót đã thấm sâu vào tâm hồn ông. Sau này, những thứ tưởng chừng như hư vô ấy, đã điều khiển khối óc, bàn tay, giúp ông chế tác, tái sinh hàng trăm bức tranh Chúa Trời và các vị Thánh. Và không biết máu hội hoạ đã ngấm vào người lúc nào chẳng hay. Vinh Coba đã vẽ hàng trăm, hàng nghìn bức tranh. Ông cảm nhận, “đó là phép lạ”.
Đam mê ngấm vào máu
Vinh Coba chia sẻ, vì lý do gia đình, ông theo học và tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân thuộc diện xuất sắc. Ông ra trường và theo nghề thanh tra. Nhưng Vinh Coba không bỏ quên niềm đam mê hội hoạ. Vì vậy, ngoài nghề chính, để thoả niềm đam mê, Vinh Coba vẫn vẽ biển quảng cáo, vẽ hình trang trí sân khấu, hình cổ động…
Sau đó, Vinh Coba theo nghề gốm. Ông đi tìm lời giải cho những chiếc bình gốm Chu Đậu, nằm dưới đáy biển hàng trăm năm nhưng màu sắc không đổi.
Năm 1989, ông vay mượn tiền bạc từ bạn bè đầu tư vào tranh gốm. Tuy nhiên, vào thời điểm này, do biến cố khách quan, ông không thể nhập được lò Tuynel từ nước ngoài. Sau đó, Vinh Coba tự mày mò xây dựng lò nung, nhưng bị nổ, thế là sự nghiệp tiêu tan dẫn tới cảnh trắng tay. “Ngã ở đâu, đứng dậy ở đó”. Không nản lòng, Vinh Coba tiếp tục niềm đam mê nghiên cứu công nghệ kết hợp với hội hoạ. Kết quả, Vinh Coba ứng dụng công nghệ tạo màu của gốm để chế tác các mảng màu trên kính. Vinh Coba tiết lộ, từ thập niên 90, ông chế tạo thành công máy phun cát.
Tranh kính Thánh Phê rô (cầm chìa khoá và thánh Phao Lô (cầm kiếm) do ông chế tác |
Thời điểm đó, chiếc máy ông chế tạo ra hoạt động rất thô sơ. Ông đổ cát vào một chiếc ống bơ, đốt cháy than hoa để thổi hơi, dùng cát nóng phun để làm mờ mặt kính. Do nhu cầu làm mờ ngày càng tăng, Vinh Coba bèn thay ống bơ bằng bình xịt cứu hỏa. Tiếp sau đó là một loạt dụng cụ khác, cái mới ra đời thay thế cái cũ lạc hậu, lỗi thời. Không phải lần nào chế tạo cũng lập tức thành công. Để có sản phẩm thành công cũng dăm, bảy lần đập bỏ. “Quan trọng là phải kiên trì”, ông nói. Sau nhiều lần thất bại, Vinh Coba đã chế tạo được chiếc máy phun cát hoạt động hoàn hảo và cho ra lò hàng loạt sản phẩm tranh phun cát, giúp ông thay đổi cuộc đời.
Thành công chưa được bao lâu, năm 1996 hàng loạt công ty ra đời bắt chước, đặc biệt là sản phẩm từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam khiến Vinh Coba lại rơi vào bế tắc, phá sản.
Đoạt giải “Quốc tế về sáng chế và sở hữu trí tuệ” tại Liên bang Nga
Mới đây, ngày 6/9, Công ty CP COBA Art Glass và Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Vinh tổ chức đón nhận Huy chương Vàng cuộc thi sáng chế Quốc tế lần thứ 25 tại Liên bang Nga.
Cuộc thi sáng chế Quốc tế lần thứ 25 được tổ chức bởi Hiệp hội Sáng chế và sở hữu trí tuệ thế giới, Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới và một số cơ quan đại diện nhà nước Liên bang Nga gồm Cục sáng chế - Bộ KH&CN, Bộ Quốc phòng Nga tổ chức.
Cuộc thi đã thu hút các nhà sáng chế từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia. Trong đó, Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Vinh là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự cuộc thi này và đã vinh dự giành Huy chương Vàng cao quý sau những vòng sàng lọc khắt khe.
Theo TS. Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, sản phẩm tranh kính Vinh Coba giành được giải thưởng uy tín tại cuộc thi sáng chế quốc tế tổ chức tại Liên bang Nga là niềm tự hào không chỉ cho riêng Nghệ nhân ưu tú Phạm Hồng Vinh mà còn là niềm tự hào của trí tuệ, giá trị văn hoá đậm đà bản sắc văn hoá Việt Nam, TS. Ngọ Văn Ngôn nói.
Qua cuộc trò chuyện chúng tôi biết thêm, Vinh Coba thoát lưỡi hái tử thần như một phép lạ khi ông đến với nhà thờ Núi Bổng, Giáo phận Bắc Ninh (Yên Dũng, Bắc Ninh). Năm 2019, khi nhà thờ Núi Bổng đang xây dựng có thuê Vinh Coba chế tác một số bức tranh kính như, Đức Maria bồng Chúa Hài Đồng và 4 Thánh sử. Khi lắp đặt xong 4 bức hoạ, trên đường trở về, ông và 2 phụ nữ, trong đó 1 người mang thai ngồi trong chiếc xe Matiz, lưu thông trên cao tốc Bắc Giang - Hà Nội. Xe ô tô của ông bị xe container đâm từ phía sau bẹp rúm. Một điều lạ, tất cả 3 người trên xe đều an toàn. Vinh Coba cảm nhận “đây là phép lạ”. Và sau đó, ông chỉ lấy 1/3 số tiền các bức tranh ở nhà thờ Núi Bổng, gọi là tiền công, ông nói.