Biến đổi khí hậu kéo theo những căn bệnh truyền nhiễm khó lường
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 09:31, 23/09/2022
Nhà khoa học phụ trách nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp khối Thịnh vượng chung (CSIRO), bác sỹ Prasad Paradkar cho biết đã có sự gia tăng đột biến về số lượng các bệnh truyền nhiễm được phát hiện ở Đông Nam Á, phần lớn là do tác động trực tiếp và gián tiếp của biến đổi khí hậu.
Các tác động trực tiếp bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan như lốc xoáy và bão lớn có thể thổi côn trùng đi một khoảng cách rất xa. Tác động gián tiếp bao gồm nhiều thứ, trong đó có tăng nhiệt độ trung bình.
Nhiệt độ tăng tạo điều kiện cho các bệnh lây qua vật trung gian lây lan rộng hơn, đồng thời còn giúp cho mầm bệnh sinh sôi nảy nở.
Các cơn gió mang theo mầm bệnh
Một ví dụ đáng chú ý là căn bệnh viêm não Nhật Bản đã từ châu Á lan sang Úc do các loài chim di cư đã bay xa hơn bình thường. Những con chim di cư này bị muỗi đốt, sau đó muỗi truyền bệnh sang động vật và người. Ở Úc đã có 6 người chết do căn bệnh này.
Bà Edwina Beveridge, một người có doanh nghiệp cung cấp thịt lơn ở New South Wales, Úc, nói rằng bà rất sốc trước sự xâm nhập của căn bệnh đó. Bà cho biết doanh nghiệp của bà đang phải tiến hành các biện pháp phòng ngừa trước khả năng sẽ có thêm nhiều ca bệnh nữa khi thời tiết chuyển sang ẩm ướt hơn.
Nhưng không chỉ có thế, còn nhiều các căn bệnh khác đang hoành hành ở gần biên giới mà chưa phát hiện ra ca nào trong nước Úc.
Bệnh viêm da nổi cục và những con dơi
Bệnh viêm da nổi cục (LSD) nếu lây lan xa hơn xuống phía Nam hoặc phía Đông ở quần đảo Indonesia thì chỉ cần một cơn lốc xoáy nó sẽ được đưa đến nước Úc qua những con côn trùng mang virus.
Những con dơi cũng tiềm ẩn nguy cơ khác. Các chuyên gia y tế cho biết virus Hendra đang lây lan xuống miền Nam nước Úc cùng với sự thay đổi trong thói quen di cư của loài cáo bay (một loài dơi quạ) mà nguyên nhân rất có thể là do con người khai hoang, tác động của El Nino và hạn hán đã làm thay đổi môi trường sống và nơi phân bố của loài dơi này. Trong số những người mắc bệnh, tỷ lệ tử vong là hơn 50%.
Không phải là "nếu", mà là "khi nào"
Dơi quạ còn có thể lây truyền virus Nipah. Năm 2010, các nhà nghiên cứu đã sử dụng vệ tinh để theo dõi di chuyển của dơi và phát hiện ra một số trường hợp di cư giữa Úc và Papua New Guinea cũng như giữa Papua New Guinea và Indonesia. Dơi còn bay từ Malaysia đến Indonesia gây ra đợt bùng phát của virus Nipah.
Virus Nipah đã làm chết hơn 100 người vào năm 1998 và hơn 1 triệu con lợn đã bị tiêu hủy để khống chế dịch bệnh.
Cho dù chưa có mối đe dọa ngay lập tức nào nhưng với hình thái lây lan được cho là không thể đoán trước do biến đổi khí hậu thì con người rất cần chuẩn bị cho bất kỳ tính huống nào.
Bác sỹ Paradkar cho biết điều không thể tránh khỏi là ít nhất một trong những căn bệnh đó chắc chắn cuối cùng sẽ từ các nước khác lây đến nước Úc. "Vấn đề không phải là "nếu" mà là "bao giờ" - ông nói.