Rau bẩn tuồn vào siêu thị: Người tiêu dùng có được đến bù thiệt hại?

Pháp luật - Ngày đăng : 07:15, 23/09/2022

Rau được thu gom từ các chợ đầu mối, sau đó được “khai sinh lại” bằng cách dán nhãn mác rau an toàn để cung cấp cho các siêu thị gây ra hậu quả khôn lường với người tiêu dùng.

Kẽ hở nào?

Ông Lê Văn Giấy - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn 12 (tỉnh Long An) - cho rằng, quy định về trồng rau theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP) khá nghiêm ngặt. Theo đó, định kỳ ba tháng một lần, cán bộ Chi cục Trồng trọt, Chi cục Bảo vệ thực vật và Chi cục Quản lý chất lượng nông sản tỉnh sẽ đến kiểm tra đột xuất.

Nếu có một mẫu rau tồn dư thuốc trừ sâu, toàn bộ số rau trong trang trại sẽ bị tiêu hủy và đơn vị trồng bị bêu tên trên trang thông tin của tỉnh. Do đó, nông dân rất ít khi vi phạm khi vào HTX.

rau-ban.jpeg
Rau bẩn được phù phép rồi đưa vào siêu thị (ảnh: Tuổi trẻ)

Thế nhưng, phía thu mua lại ít bị kiểm tra, giám sát hơn. Nhiều doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng với HTX nhưng chỉ mua với số lượng ít, sau đó mua rau trôi nổi hoặc mua từ chợ đầu mối cho rẻ rồi trộn vào để bán thành rau đạt chuẩn VietGAP. Bởi rau đạt chuẩn VietGAP luôn có giá cao hơn 2.000-3.000 đồng/kg so với rau được trồng theo cách thông thường. “Khi ký hợp đồng mua bán, HTX cung cấp cho bên thu mua giấy chứng nhận, thông tin vùng trồng. DN thu mua dùng các giấy này để đưa hàng vào cửa hàng, siêu thị, còn nguồn hàng như thế nào thì chỉ có DN đó biết”, ông Lê Văn Giấy nói.

Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM - cho rằng, các nhà bán lẻ (như Winmart+, Bách Hóa Xanh, Tiki Ngon, 3Sạch...) bán sản phẩm không đúng xuất xứ, chất lượng, nhãn hiệu... thì phải chịu trách nhiệm với người tiêu dùng chứ không thể đổ hết trách nhiệm cho nhà cung cấp. Đơn vị bán hàng ký hợp đồng với nhà cung cấp thì phải có trách nhiệm nắm rõ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm được cung cấp và phải chịu trách nhiệm về sản phẩm mà mình bán ra.

Một số đơn vị bán lẻ khẳng định sẽ bồi thường cho người tiêu dùng về thiệt hại vật chất, tinh thần. Luật gia Phan Thị Việt Thu cho rằng, đây là kiểu “nói cho có lệ” bởi người tiêu dùng không thể có đủ cơ sở để được bồi thường, trừ khi bị ngộ độc sau khi ăn sản phẩm mua tại cửa hàng. Trong khi đó, sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ tác động tới sức khỏe lâu dài. Chưa kể, người tiêu dùng ít khi giữ lại hóa đơn mua hàng để có cơ sở khiếu nại.

Khi nào xử lý hình sự?

Theo Luật sư Đặng Văn Cường -Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) thì Theo quy định của pháp luật “rau sạch” phải là rau an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn này do Bộ NN&PTNT đưa ra.

Tiêu chuẩn này quy định rất nghiêm ngặt từ quy trình sản xuất cho đến thu hoạch, bảo quản. Điều này đảm bảo, khách hàng có thể truy xuất về nguồn gốc của thực phẩm.

Rau sạch, rau đạt tiêu chuẩn VietGAP sẽ có giá thành đắt hơn nhiều so với rau thông thường. Tuy nhiên, vừa qua báo chí phản ánh ở một vài siêu thị, gian hàng điện tử đã trà trộn hàng “chợ”, dán mạc VietGAP để biến thành “rau sạch” thì đây là biểu hiện của hành vi lừa dối người tiêu dùng.

Chính vì vậy, việc siêu thị chấm dứt hợp đồng cung cấp rau với đơn vị cung cấp “rau sạch” cho siêu thị là điều cần thiết để giữ gìn uy tín cho doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong sự việc này cơ quan Quản lý thị trường cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ hành vi gian dối của những cửa hàng này thực hiện như thế nào, diễn ra trong thời gian bao lâu và bao nhiêu người tiêu dùng đã mua phải rau sạch rởm. Thậm chí cơ quan chức năng điều tra có hay không hành vi làm giả chứng nhận VietGAP?

Trên cơ sở đó cơ quan chức năng có thể xử lý các đơn vị này bằng chế tài hành chính hoặc là hình , tùy theo mức độ vi phạm. Cơ quan chức năng cần làm rõ có hành vi lừa dối khách hàng ở đây hay không?

Hành vi tuồn “rau bẩn” vào cửa hàng rồi phù phép thành rau sạch của các cơ sở được báo chí nêu vừa rồi không chỉ ảnh hưởng đến chính uy tín của họ mà còn ảnh hưởng đến những cửa hàng bán rau sạch làm ăn uy tín khác.

Không những vậy, hành vi của những “gian thương” này còn ảnh hưởng đến những nông dân đang ngày đêm miệt mài sản xuất rau sạch tiêu chuẩn VietGap.

Đối với tội lừa dối khách hàng, hậu quả thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Nếu chưa gây hậu quả nêu trên, người phạm tội phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi lừa dối khách hàng hoặc đã bị kết án về tội lừa dối khách hàng, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm mới bị coi là phạm tội lừa dối khách hàng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu như hành vi lừa dối khách hàng rất ít khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự, việc khởi tố bị can tội “lừa dối khách hàng” là rất ít, thậm chí rất hiếm.

Trong khi đó, theo quy định của tội lừa dối khách hàng trong Bộ luật Hình sự thì hành vi này diễn ra khá phổ biến.

Đây liệu có phải lý do mà trong thời gian gần đây, không ít những vụ “rau bẩn” được phù phép thành rau sạch với những cái tên mỹ miều tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn kia để “móc túi” người tiêu dùng được phanh phui nhưng vi phạm này vẫn tái diễn.

Nếu chế tài xử lý không đủ mạnh thì nhiều cơ sở kinh doanh họ chấp nhận xử phạt bởi lợi ích từ hành vi gian dối là quá lớn so với mức tiền phạt phải bỏ ra.

Đã đến lúc chúng ta cần phải xử lý mạnh tay để làm gương cho những “gian thương” đã và đang định lừa dối người tiêu dùng.

MINH AN (t/h)