Bài 2: Lá đơn kêu cứu cuối cùng của tỉ phú tự thiêu
Gia đình - Ngày đăng : 08:05, 22/09/2022
Bức di ảnh thể hiện người đàn ông tuổi đã chạm ngưỡng cổ lai hi, mái tóc pha sương, khuôn mặt cương nghị nhưng nhân hậu. Ông là Vương Chí Linh, tỉ phú có tài sản 30 tỷ đã tự kết liễu đời mình vào sáng ngày 21/10 sau cuộc hôn nhân cuối đời.
Khi đàn bà nhẫn tâm
Sáng 23/10, chùa Như Lai (P.5, Q. Gò Vấp, TP.HCM) là nơi diễn ra đám tang vắng lặng của ông Linh. Không tiếng kèn, tiếng nhạc, không tiếng khóc nỉ non ai oán. Ngoài người vợ cũ và hai con quấn vành khăn tang, còn lại chỉ là những người bạn thâm tình lâu năm với người vừa ra đi.
Một người đàn ông đứng tuổi (xin được giấu tên) cho chúng tôi biết: ông Linh vốn là kỹ sư xây dựng thủy lợi. Vào Nam từ những năm 1997 với 2 bàn tay trắng, chỉ trong vài năm, ông đã có một cơ nghiệp khá vững nhờ vào tài kinh doanh bất động sản.
Chia tay với người vợ đầu đã có với nhau 2 con, ông Linh gặp bà Nguyễn Thị Tường Vân trong các thương vụ làm ăn rồi đem lòng yêu nhau. Bà Vân kém ông Linh 10 tuổi là một trí thức có văn bằng tiến sĩ và rất tháo vát. Năm 2002, hai người kết hôn về sống chung với nhau. Công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió. Tài sản ngày càng nhiều lên đến vài chục tỉ đồng mà trong đó công lao của ông Linh là chính. Được vài năm, tình cảm vợ chồng ngày một phai nhạt khi giá trị tài sản càng lúc càng nhiều. Bà Vân sợ rằng, sau này khi ông Linh nằm xuống số tài sản sẽ về tay các con riêng của chồng.
Mối hục hặc đó kéo dài cho đến một lúc không chịu đựng nổi nữa, ông Linh đồng ý sang tên toàn bộ tài sản có được gồm 2 căn nhà ở Gò Vấp và Bình Thạnh cùng vài thửa đất riêng lẻ với điều kiện bà Vân phải chăm sóc ông đến cuối đời. Bà đồng ý. Nhưng một tháng sau khi toàn bộ giấy tờ đã về tay, bà Vân đưa đơn ra tòa xin ly dị chồng. Từ một tỉ phú với tài sản hàng chục tỉ đồng, ông Linh phút chốc trắng tay.
Cay đắng hơn, căn nhà số 28 đường số 3 (Q.Gò Vấp) nơi cả hai đã từng cư ngụ là tài sản cuối cùng bà cần thu hồi, nên đã nhờ đến cơ quan thi hành án cưỡng chế. Việc này đồng nghĩa đuổi ông Linh ra khỏi nhà trong khi ông chưa có nơi cư trú mới.
Cái dã tâm của người đàn bà 60 tuổi xuất thân là trí thức đã khiến cho nhiều người không thể ngờ tới. Dường như trong tâm trí của bà chỉ nghĩ tiền tài bất chấp cả nghĩa phu thê...
Lá đơn “kêu cứu” cuối cùng
“Anh có dám nghĩ rằng muốn đuổi một ông già 70 tuổi ra khỏi nhà cần phải huy động một lực lượng lên đến gần 100 người không ?” - người đàn ông đang trò chuyện chợt hỏi chúng tôi.
Không đợi trả lời, ông nói tiếp: “Trước khi xảy ra sự cố đau lòng vài ngày, ông Linh có làm đơn gửi cơ quan Thi hành án. Trong đơn, ông Linh nêu rõ: “Thiết nghĩ tôi đã 70 tuổi chỉ cần 2 người sức khỏe bình thường là có thể bắt trói tôi đi rất dễ dàng nhưng tại sao chính quyền lại bày binh bố trận như đánh giặc ngoại xâm ?”.
Ông Linh chưa hề có ý chống đối và sẵn sàng giao nhà cho cơ quan Thi hành án. Ông từng khẳng định, chỉ cần vài ngày sau khi xác định tài sản còn lại của mình, ông sẽ giao nhà cho bà Vân.
Thế nhưng, quá “cạn tàu ráo máng”, chấp hành viên đã điện thoại cho ông nói rằng, bà Vân không đồng ý cho ông mang tài sản trong nhà ra đi. Vì thế, ông Linh đã gửi đơn xin hoãn thi hành án cho đến khi nào giải quyết xong việc tranh chấp tài sản. Cũng trong đơn, ông Linh cho biết chiều ngày 30/9, chấp hành viên L.Q.H đã gọi điện dọa nạt, xúc phạm ông. Lời đề nghị xác định tài sản không được cơ quan thi hành án chấp thuận.Trong đoạn kết ông Linh viết: “Tôi có cảm giác Thi hành án đang tìm cách bức tử tôi. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu sự oan khuất của tôi không được giải quyết”.
Sáng 21/10, bà Vân theo đoàn cưỡng chế buộc ông phải giao nhà. Có thể đã chuẩn bị từ trước, bất ngờ ông Linh tạt acid vào lưng bà Vân rồi vào nhà đóng cửa. Ít phút sau trên tầng 1, lửa đỏ rực. Ông đã tự thiêu…
Cái chết thức tỉnh lương tri ?
Trong điếu văn đọc trước linh cữu ông Linh, ông Phạm Gia Du, một người bạn lâu năm của ông cho biết: “Trong cuộc sống, ông Linh là một người có tấm lòng vị tha, bác ái. Vài ngày trước khi chết, ông đã tặng cho các quĩ từ thiện các phường 5 (Q.5), P.10 (Q. Gò Vấp), Trung tâm nhân đạo Quê Hương và Trung tâm nuôi dưỡng người già tàn tật số tiền lên đến 1,8 tỉ đồng"
Là người luôn nặng lòng với những nỗi đau của xã hội nhưng chính mình lại gặp nhiều ngang trái đắng cay, ông Linh trong một phút yếu lòng đã hành xử thiếu cân nhắc.
Hi vọng sự ra đi của ông sẽ thức tỉnh lương tri người trong cuộc. Liệu bà Vân có sống được trong sự thanh thản đến cuối đời trong những ngày sắp tới?
Câu hỏi đó, chỉ có bà Vân mới trả lời chính xác nhất.
Xem thêm: Bài 1: Tiền lớn hơn tình
Trần Chánh Nghĩa
Đã đăng trên VietNamNet ngày 24/10/2013
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/la-don-keu-cuu-cuoi-cung-cua-ti-phu-tu-thieu-146124.html