Ngóng ‘đại bàng’ ngoại, ông lớn Việt tìm lợi nhuận tỷ USD từ bất động sản công nghiệp
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 08:33, 22/09/2022
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (GVR) vừa cho biết, mục tiêu đến năm 2025 tập đoàn sẽ ghi nhận doanh thu tăng hơn 30% so với hiện nay và lợi nhuận tăng trưởng khoảng 20% lên tương ứng 162 nghìn tỷ đồng và 34,4 nghìn tỷ đồng (trung bình gần 6,9 nghìn tỷ đồng/năm).
Một trong những điểm đáng chú ý là GVR đang trong quá trình tái cấu trúc và hướng trọng tâm phát triển vào mảng kinh doanh khu công nghiệp nhờ vào quỹ đất dồi dào mà tập đoàn đang nắm giữ.
Hiện GVR quản lý gần 492 nghìn hecta đất trồng cây cao su cả trong và ngoài nước, trong đó diện tích trong nước hơn 342 nghìn hecta, tập trung chủ yếu tại khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Theo chiến lược phát triển bất động sản công nghiệp giai đoạn 2021-2030, GVR có kế hoạch lập mới và mở rộng hơn 39 nghìn hecta từ chuyển đổi đất trồng cây cao su, bao gồm 48 khu công nghiệp (gần 37,4 nghìn ha) và 28 cụm công nghiệp (gần 1,8 nghìn ha).
Hiện, các dự án mới như mở rộng Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, An Điền, Minh Hưng III..., đang trong gia đoạn thực hiện các thủ tục pháp lý để đầu tư.
Thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam trong vài năm gân đây phát triển rất mạnh. Đây là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn trong nước, nhất là trong bối cảnh Việt Nam được kỳ vọng sẽ là công xưởng sản xuất của thế giới nhờ kinh tế vĩ mô ổn định và nền kinh tế có độ mở kinh tế cao, xuất nhập khẩu bằng 200% GDP. Xung đột địa chính trị ở nhiều nơi và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung từ 2018 đã mở ra thêm nhiều hy vọng cho Việt Nam.
Gần đây, có dấu hiệu cho thấy, làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục gia tăng.
Theo HSBC, Việt Nam là quốc gia thu hút FDI vượt trội trong ASEAN, đặc biệt là lĩnh vực điện tử, bất chấp FDI có xu hướng sụt giảm trên toàn cầu trong giai đoạn Covid-19. Trong 20 năm qua, Samsung đã đầu tư tổng 18 tỷ USD, qua đó đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất điện tử quan trọng.
Intel và gần đây là Apple cũng đã vào việt Nam. Sau khi sản xuất đại trà AirPods vào năm 2020, Apple đã ký kết Biên bản ghi nhớ trị giá 300 triệu USD với KBC của ông Đặng Thành Tâm để mở rộng cơ sở sản xuất tại tỉnh Bắc Giang.
Ông Đặng Thành Tâm cho rằng, sẽ có dòng vốn lớn từ Mỹ đổ vào Việt Nam, cả FDI và FII và dự báo trong 3 năm có ít nhất thêm 10 tỷ USD vốn đầu tư Mỹ vào Việt Nam.
Trong khi các doanh nghiệp kỳ cựu trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp (như KBC) đang dồn lực mảng kinh doanh cốt lõi trên phạm vi cả nước, thì nhiều ông lớn khác cũng đổ tiền vào lĩnh vực hấp dẫn này.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup cũng đánh giá cao mảng bất động sản công nghiệp và cho rằng đây là mảng bổ trợ cho tập đoàn hiện tại nhưng trong tương lai sẽ là mảng chính của Vinhomes (doanh nghiệp quản lý mảng bất động sản của Vingroup), mang lại dòng tiền thường xuyên cho công ty.
Vinhomes IZ gần đây đã tăng vốn điều lệ lên 18.500 tỷ đồng, như một tín hiệu cho thấy sự mạnh tay rót tiền vào bất động sản công nghiệp của Vingroup. Trước đó, Vinhomes bật tín hiệu đầu tư xây dựng khu công nghiệp ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Hiện, Vinhomes đang quản lý vận hành khu công nghiệp 335ha tại khu công nghiệp Đình Vũ, Cát Hải, Hải Phòng, nơi đặt nhà máy sản xuất ô tô VinFast.
Trong quý II/2022, nhiều doanh nghiệp bất động sản công nghiệp có kết quả kinh doanh quý II/2022 ấn tượng. Tổng công ty Idico (IDC) ghi nhận doanh thu thuần tăng 2,6 lần so với cùng kỳ lên trên 3,3 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng gấp hơn 6 lần lên trên 1,4 nghìn tỷ đồng nhờ một số dự án như: khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, Phú Mỹ 2 và Phú Mỹ 2 mở rộng…
Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - Becamex IDC (BCM) báo lợi nhuận sau thuế quý II/2022 tăng gần 90% lên gần 980 tỷ đồng. Tổng CTCP Phát triển Khu Công nghiệp – Sonadezi (SNZ) lãi ròng 250 tỷ đồng, tăng 36%...
Các cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản công nghiệp gần đây suy yếu theo thị trường chung nhưng được dự báo có triển vọng tích cực về dài hạn.