Tác động từ kế hoạch trưng cầu sáp nhập 4 vùng Ukraine vào Nga
Tin thế giới - Ngày đăng : 23:00, 21/09/2022
Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng ở miền Đông Ukraine, nơi Tổng thống Vladimir Putin công nhận là các quốc gia độc lập ngay trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2, nói rằng họ muốn trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga.
Các khu vực Kherson và Zaporizhzhia, vốn vẫn chưa được Nga công nhận là các quốc gia độc lập, cũng cho biết họ sẽ tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga.
Nga không kiểm soát hoàn toàn bất kỳ khu vực nào trong số 4 khu vực trên. Hiện chỉ khoảng 60% khu vực Donetsk nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Cho đến nay, Nga kiểm soát hơn 90.000 km2, tương đương khoảng 15% tổng diện tích của Ukraine.
Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Crimea là một vùng đất nhô ra ở phía nam Ukraine, nằm giữa Biển Đen và biển Azov, ngăn cách với Nga ở phía đông bởi eo biển hẹp Kerch.
Ngày 27/2/2014, sau khi các lực lượng Nga kiểm soát Crimea, một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga đã được tổ chức.
Các nhà lãnh đạo Crimea công bố 97% phiếu bầu ủng hộ ly khai khỏi Ukraine và gia nhập Nga. Sau đó, Nga chính thức sáp nhập Crimea vào ngày 21/3/2014.
Nếu cả 4 khu vực ở Ukraine đều tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý và sáp nhập vào Nga, động thái này nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Ukraine và phương Tây.
Điều này làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO, một kịch bản mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng có thể dẫn đến Thế chiến 3, vì các thành viên NATO đang cung cấp vũ khí và thông tin tình báo cho Ukraine.
Việc Nga sáp nhập các vùng lãnh thổ mới sẽ đánh dấu sự leo thang trong cuộc xung đột, sau khi Moscow rút khỏi vùng đông bắc Ukraine trong cuộc phản công của quân đội Ukraine.
Học thuyết hạt nhân của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc trong trường hợp Nga phải đối mặt với mối đe dọa sống còn từ vũ khí thông thường.
Nếu Ukraine không đồng ý ngừng chiến để bảo vệ lãnh thổ đã mất, Nga sẽ phải điều động các lực lượng quân sự để bảo vệ các khu vực mới sáp nhập, vốn vẫn chưa hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Moscow.
Bà Tatiana Stanovaya, người sáng lập tổ chức tư vấn chính trị R.Politik cho biết: "Tổng thống Putin đang đánh cược vào việc leo thang xung đột. Việc tuyên bố trưng cầu dân ý ngay lập tức là một tối hậu thư hoàn toàn rõ ràng do Nga gửi đến Ukraine và phương Tây".
Ukraine cho biết mối đe dọa từ việc trưng cầu dân ý là "hành động tống tiền ngây thơ" và là dấu hiệu cho thấy Nga đang sợ hãi.
"Điều này thể hiện nỗi sợ thất bại, đối phương đang sợ hãi", ông Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine, cho biết.
Ukraine tuyên bố sẽ không ngừng chiến đấu cho đến khi binh sĩ Nga bị đẩy ra khỏi lãnh thổ của họ. Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận sự kiểm soát của Nga đối với lãnh thổ của họ và kêu gọi phương Tây cung cấp nhiều vũ khí tốt hơn.
Ukraine và phương Tây cho rằng cuộc trưng cầu dân ý đã vi phạm hiến pháp Ukraine và luật pháp quốc tế.