Tự chủ đại học: Hướng đi đúng ở đâu?

Nhịp sống - Ngày đăng : 21:00, 21/09/2022

Gần đây có một số bài viết gây tranh cãi về "thu nhập nghìn đô" của giảng viên ở những trường được tự chủ tài chính.

Điều này đặc biệt nhạy cảm trong bối cảnh nhiều trường đại học công bố mức học phí tăng 30-40% và nhiều hệ đào tạo chất lượng cao có học phí 60-70 triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng/năm.

Có ý kiến cho rằng các trường tự chủ tài chính đang đi "lạc hướng", hàm ý rằng tự chủ tài chính có mục tiêu chủ yếu là tăng học phí, khiến trường đại học thu được nhiều tiền và giảng viên đại học tăng thu nhập, nhưng chất lượng sinh viên thì không tăng mà có khi đi xuống.

Nhưng xin hỏi đâu là hướng đi đúng?

Đây là một câu hỏi nghiêm túc và quan trọng bậc nhất: Mô hình nào là khuôn mẫu đáng tham khảo cho giáo dục đại học Việt Nam?

Là đại học Cambridge với mức độ tích tụ đất đai ngang ngửa với một tập đoàn bất động sản niêm yết cỡ lớn của Anh; hay là đại học Harvard với một quỹ đầu cơ ngay trong trường để quản lý nguồn quỹ của trường? Cần lưu ý rằng mức độ tích lũy tư bản của những trường đó không phải một ngày một buổi mà là những trường hàng trăm năm lịch sử.

Và các trường đại học ở những nước này thường xuyên huy động vốn qua thị trường trái phiếu, với mức huy động của các đại học Anh tổng cộng có khi lên đến cả trăm tỷ USD trái phiếu mỗi năm. Ví dụ gần nhất là đại học Michigan của Mỹ vừa bán 2 tỷ USD trái phiếu để gia hạn số nợ trước đây và xây dựng cơ sở vật chất mới. Mô hình vận hành đại học trên cơ sở thị trường vốn kiểu cao bồi Anglo Saxon này chắc sẽ được các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (bao gồm trái phiếu bất động sản) ở Việt Nam hoan nghênh. Nhưng phụ huynh và xã hội có thích ứng được điều đó hay lại lo ngại?

Hay chúng ta lại nhìn đến những trường mà nhà nước tài trợ phần lớn kinh phí như một trong những đại học công xuất sắc của Đan Mạch là đại học Copenhagen, xếp trong top 100 thế giới. Có lần một giáo sư trường này (được xem là công chức của chính phủ Đan Mạch) đến trường tôi để trình bày nghiên cứu, cầm theo một thiết bị giảng dạy mà ông cho là ở trường ông ai cũng có, thế nhưng ai cũng nhận ra món đồ đó cao hơn đến mấy tháng lương của một giảng viên đại học Anh (và đến nay đại học Anh hầu hết sẽ không thể trang bị nổi cho giảng viên cái món đồ xa xỉ đó)!

Hoặc đó là một trường đại học nghiên cứu tốt của Đức, nơi mà học phí cực kỳ thấp nhưng người dân trả thuế rất cao? Người Việt Nam sẽ chấp nhận thuế suất 42% cho thu nhập ở mức trung vị của xã hội (trung vị của Việt Nam ước tính là 6 triệu/tháng theo số liệu Statista) để tài trợ cho hệ thống đại học hay không. Và đừng quên rằng nếu Việt Nam thường xuyên thâm hụt ngân sách thì Đức thường thặng dư ngân sách. Mô hình của Đức hay Đan Mạch sẽ là một gánh nặng khủng khiếp lên ngân sách và đẩy gánh nặng thuế lên người dân.

Người ta hay nói về sự xuất sắc, cơ sở vật chất, học phí rẻ của một số đại học hàng đầu nước ngoài, mà chưa từng tự hỏi các trường đó lấy tiền ở đâu ra. Những thảo luận ở trên đã chỉ ra một số cách: Sử dụng thị trường vốn, nhà nước tài trợ hoặc như Việt Nam, là dựa vào học phí. Nhiều trường ở Anh là kết hợp học phí, thị trường vốn và thu nhập từ chuyển giao công nghệ (thứ mà ở nhiều trường xếp hạng thấp ở Anh là cực kỳ nhỏ).

Người ta hay tự huyễn hoặc rằng các trường ở nước ngoài thì thu nhập không phải từ nguồn học phí, nhưng nó lại trái với thực tế là học phí đi du học cao ngất trời mây của những trường đại học nước ngoài ở Anh, Úc, Mỹ và Canada, những nơi mà người ta luôn muốn đại học Việt Nam hướng tới ngang tầm. Ví dụ, học phí cho sinh viên quốc tế ở Anh của một trường tầm trung ngành tài chính kế toán khoảng 550 triệu đồng/năm.

Thực tế từ đầu 2020 đến hiện nay, đã có 6 báo cáo lớn khác nhau cho quốc hội khẳng định các đại học ở Anh phụ thuộc rất lớn vào học phí, và vấn đề này còn nghiêm trọng hơn ở Mỹ khi mà tờ Wall Street Journal và hãng tin Bloomberg từng cảnh báo nhiều đại học Mỹ sẽ vỡ nợ vì hụt nguồn thu từ sinh viên do dịch Covid-19 gây ra.

Đó là mới nói về cách mà các đại học nước ngoài thu hút và sử dụng nguồn tài chính.

Còn những bài báo đưa ra thông tin về lương nghìn đô của giảng viên đại học Việt Nam lại chỉ dừng lại một cách hời hợt ở con số thu nhập, mà không đi tìm hiểu thêm thời gian làm việc của một giảng viên Việt Nam với một đồng nghiệp ở Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Canada, Úc, những nền giáo dục mà ta muốn chất lượng mình có thể ngang ngửa.

Là một người từng là giảng viên đại học Việt Nam, đã sống và giảng dạy ở Anh từ 10 năm nay, đang làm việc với giảng viên Việt Nam về nghiên cứu, đồng thời cũng làm việc chặt chẽ với nhiều giảng viên các nước khác, tôi có thể khẳng định một giảng viên Việt Nam phải làm việc nhiều giờ hơn rất nhiều lần so với đồng nghiệp các nước kể trên để đạt được con số thu nhập nghìn đô như vậy. Chỉ riêng tiết chuẩn 200-250 giờ/năm của nhiều trường sẽ khiến giảng viên các nước ở trên ôm đầu kêu "điên rồ" chứ đừng nói có những người phải dạy vượt chuẩn đến tận 400 giờ/năm.

Bây giờ thì nói đến số tiền thu nhập "nghìn đô".

Có những bài báo nêu thu nhập giảng viên đại học ở những trường đã tự chủ tài chính đến hơn 450 triệu đồng/năm. Nghe có vẻ nhiều nhưng nếu bạn chia con số thu nhập tính theo năm cho 12 tháng, bạn ra một con số cũng không có gì là khủng khiếp, thật ra là khá bình thường với dân văn phòng làm việc cho công ty lớn nước ngoài ở TPHCM hay thủ đô Hà Nội. Đừng quên rằng những người có thể làm giảng viên đại học hiện nay, nhiều người tốt nghiệp từ nước ngoài và có thể có những cơ hội công việc với mức lương tốt ở bên ngoài. Thu hút người giỏi dạy đại học thì mới có sinh viên tốt được.

Nói vậy để thấy, những con số thống kê trong các bài báo xoáy sâu vào thu nhập giảng viên đại học tưởng rằng là bằng chứng quan trọng, nhưng nó lại không được đặt trong bối cảnh cho đúng, và do đó, nó lạc lõng, thiếu hàm ý.

Có chăng nó thỏa mãn tính tò mò và kích thích sự ganh tỵ của một số người.

Điều mà người quan tâm trăn trở với đại học Việt Nam nên hỏi liên quan đến ba vấn đề. Thứ nhất, làm thế nào để sinh viên nghèo có cơ hội học đại học với sự gia tăng mức học phí (đồng nghĩa là bỏ đi bầu sữa ngân sách sau khi tự chủ tài chính)?

Thứ hai, các đại học tăng học phí thì mức độ chịu trách nhiệm (accountability) với người học, người dạy, và cơ quan quản lý đến đâu? Đây là một trụ cột rất quan trọng ở các đại học Anh-Mỹ với sức ép phải minh bạch hóa về tài chính, có một hệ thống chăm sóc và phản hồi quan điểm của sinh viên, cũng như có một mô hình quản trị đại học bền vững, chứ không phải như những ông chủ bất động sản đầu tư vào đại học để biến nó thành cỗ máy kiếm tiền.

Thứ ba, mô hình đánh giá kết quả thành công hay không của tự chủ đại học bao gồm những thước đo nào, có hợp lý không? Nói cách khác, đâu là thang đo đánh giá chất lượng đào tạo đại học?

Đảm bảo chất lượng, minh bạch và quyền tiếp cận giáo dục đại học cho sinh viên nghèo là những trụ cột cơ bản cần được biến thành những thước đo đánh giá cụ thể trong mô hình giáo dục đại học. Và người ta nên đặt nhiều câu hỏi về chuyện làm sao tự chủ đại học đạt đến những điều đó, những bước đi cụ thể là gì, thay vì xoáy vào những góc nhìn phiến diện, và có phần "câu view" như lương giảng viên đại học nghìn đô.

Đặt câu hỏi sai thì làm sao mong tìm được hướng đi đúng cho đại học?