Vụ rau sạch 'biến hình' vào Winmart, Tiki ngon: Cần xử lý nghiêm!
Xã hội - Ngày đăng : 07:14, 20/09/2022
Báo chí vừa đưa tin về Công ty TNHH nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods), có nhà máy tại lô F2, Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng bán rau sạch rởm 'biến hình' vào Winmart, Tiki ngon. Đặc biệt, trên tem của đơn vị này còn có logo biểu thị rau củ đạt chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành).
Trả lời Báo Tuổi trẻ về sự việc, WinCommerce (thuộc Tập đoàn Masan, đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ WinMart/WinMart+) xác nhận nhà cung cấp Trình Nhi có cung ứng rau cho WCM.Đơn vị này đã nhanh chóng kiểm tra dữ liệu nhà cung cấp Trình Nhi (Công ty TNHH nông sản Trình Nhi, hay còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods), có nhà máy tại lô F2, Khu công nghiệp Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. WinCommerce cũng cho biết đã ngừng nhập và rút toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Trình Nhi khỏi quầy kệ và yêu cầu nhà cung cấp Trình Nhi giải trình vi phạm cam kết về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm theo hợp đồng cung cấp hàng hóa đã ký kết với WinCommerce.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về những giải pháp ngăn chặn vấn nạn rau giả đội lốt rau sạch, đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết, họ không bình luận về vụ việc trên và khẳng định, hệ thống siêu thị của Central Retail gồm BigC, GO!, Tops Market… không bán hàng rau quả của nhà cung cấp Trình Nhi và chia sẻ thêm kinh nghiệm, qui trình quản lý.
Quầy hàng giải cứu nông sản Hải Dương tại BigC Thăng Long |
Về vấn đề kiểm soát nguồn cung thực phẩm đối với các sản phẩm nông sản đã đủ điều kiện và được bày bán tại các siêu thị, đại diện hệ thống siêu thị này cho biết, tại các siêu thị đều có bộ phận kiểm soát chất lượng, tem nhãn để đảm bảo yêu cầu khi cần test nhanh, kiểm tra thì việc thực hiện được nhanh chóng, không để sản phẩm không đạt chất lượng bày bán tại hệ thống siêu thị.
Mặt khác để hàng hóa nông lâm thủy hải sản đưa được vào hệ thống siêu thị phải đáp ứng các yêu cầu/tiêu chuẩn hết sức chặt chẽ.
Cụ thể, bước 1 đó là quy trình duyệt hồ sơ nhà cung cấp. Tại đây, phía siêu thị sẽ tiếp nhận hồ sơ nhà cung cấp của các công ty, hợp tác xã, hộ nông dân, hộ kinh doanh,… bao gồm: Đăng ký thành lập doanh nghiệp/mã số thuế; giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm, hồ sơ công bố chất lượng, mẫu tem nhãn sản phẩm (đối với các đơn vị có hoạt động sản xuất, chế biến); kết quả kiểm nghiệm vi sinh, kim loại nặng, URÊ (sản phẩm đánh bắt) và dư lượng thuốc thú y cho sản phẩm nuôi trồng trong vòng một năm; các giấy chứng nhận về chất lượng khác nếu có (Vietgap, hữu cơ, OCOP,…); báo giá và hàng mẫu.
Sau khi qua bước 1, siêu thị sẽ tiến hành duyệt hồ sơ nhà cung cấp. Theo đó, bộ phận thu mua duyệt hồ sơ pháp lý và giá, bộ phận kiểm soát chất lượng (HQ) duyệt hồ sơ vệ sinh an toàn thực phẩm; Bộ phận thu mua của siêu thị sẽ có các buổi đánh giá thực tế năng lực và khả năng cung ứng cùng các điều kiện và tiêu chuẩn của nhà cung ứng tại cơ sở.
Sau khi nhà cung cấp đáp ứng được đủ yêu cầu, phía doanh nghiệp sẽ tiến hành đàm phán, ký kết hợp đồng; tạo dữ liệu nhà cung cấp, hàng hóa lên hệ thống; đặt hàng và giao hàng.
Về tiêu chuẩn chất lượng khi giao hàng, nhà cung cấp giao hàng theo phiếu kỹ thuật của hệ thống siêu thị Go/Big C. Phiếu kĩ thuật sản phẩm là căn cứ tiêu chuẩn nội bộ của hệ thống dựa trên nhu cầu khách hàng và quy định vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo chất lượng tốt nhất được giao tới tay khách hàng cũng như về mẫu mã, kích thước, chủng loại chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn bao gói khác.
Xác định, sản phẩm an toàn là tiêu chí hàng đầu trong việc quyết định hành vi mua sắm của khách hàng, do đó, bên cạnh sự cam kết từ chính các nhà cung cấp, Central Retail cho hay, khi hàng hóa khi đã vào hệ thống siêu thị, định kỳ chúng tôi sẽ đi kiểm tra, đánh giá lại nhà cung cấp để đảm bảo đem đến sản phẩm có chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng.
Một số ý kiến người tiêu dùng cho biết, các siêu thị cần chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, giá cả được bày bán tại hệ thống của mình bởi điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nghiệp. Các siêu thị cần có quy trình, quy định về nguồn hàng hoá đầu vào, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm, không làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh siêu thị, bán lẻ, thậm chí là các nhà sản xuất, phân phối, kinh doanh các sản phẩm hàng hoá trên thị trường.
Liên quan đến sự việc này, đây không phải lần đầu báo chí phản ánh "vấn nạn" nông sản đội lốt "thực phẩm sạch, chất lượng cao". Đã có hiện tượng, đối tượng lợi dụng vào việc mình được cấp giấy phép, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện để sản xuất rau an toàn để thu gom các loại rau không an toàn, từ các nơi khác mà không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng để đưa vào cung ứng cho hệ thống siêu thị. Sự việc này đã khiến nhiều người dân hoang mang, bởi với họ, rau trong siêu thị là "hy vọng" gần như duy nhất về độ an toàn thực phẩm.
Do đó, dư luận cho rằng, đã đến lúc các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm, quản lý lý thị trường phải có trách nhiệm vào cuộc, chủ động bảo vệ người tiêu dùng chứ không thể chỉ hô hào người dân làm “người tiêu dùng thông thái”. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm minh hiện tượng này.