Bao giờ bóng đá Việt Nam mới có thể “kinh doanh”?

Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 09:50, 20/09/2022

Bóng đá Việt Nam vẫn đang “kinh doanh”, nhưng không phải bằng sản phẩm tốt nhất của mình…

Xem thêm: Bóng đá Việt Nam và những thất bại cần thiết

Bao giờ bóng đá Việt Nam mới có thể “kinh doanh”?
Các câu lạc bộ ở Việt Nam chưa thể tự nuôi sống chính mình bằng bóng đá. Ảnh: CTFC

Nhìn từ Ngoại hạng Anh

“Vào những năm 1980, bóng đá - trò giải trí quốc dân ở Anh rõ ràng không phải là một lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn đầu tư kiếm lời. Gần như không có một món lời nào được sinh ra từ nó.

Tới cuối thập niên 1970 thì mới xuất hiện quảng cáo ở đường biên sân bóng dành cho các doanh nghiệp tài trợ. Và ngay cả khi đó, nguồn thu từ quảng cáo cũng chỉ gần đủ để chi cho việc nuôi trồng cỏ trên mặt sân…

…“Gần như toàn bộ khoản doanh thu ít ỏi mà bóng đá kiếm được đến từ tiền bán vé ở sân vận động, nguồn thu này giảm đều đặn từ thập niên 1960”…

…“Với nhiều khiếm khuyết và ít ưu điểm, việc bóng đá không thu hút được sự quan tâm của những bộ óc lớn trong kinh doanh âu cũng là điều dễ hiểu”…

Đây là một vài trích đoạn trong cuốn “The Club” (Giải mật Ngoại hạng Anh) để mở đầu cho câu chuyện về sự phát triển khủng khiếp của bóng đá Anh bắt đầu từ thập niên 1990 của thế kỷ trước. Chính xác là năm 1992, khi giải Ngoại hạng Anh được thành lập, khi những ông chủ - vốn bị cho là ghét nhau và không hề muốn hợp tác với nhau, tìm được tiếng nói chung trong việc định hướng phát triển cho bóng đá Anh, cho câu lạc bộ của mình.

Năm nay (2022), Premier League kỷ niệm 30 năm thành lập. Chưa có thống kê hiện tại nhưng lùi lại thời điểm 5 năm trước, khi họ kỷ niệm 25 năm, thông số chỉ ra rằng, “tổng giá trị của 20 câu lạc bộ tăng lên hơn 10.000% (từ 50 triệu bảng năm 1992 thành 10 tỉ bảng vào thời điểm 2017). Trong khi đó, tổng doanh thu của Ngoại hạng Anh tăng lên 2.500%.

Người ta nói, “Tập đoàn Ngoại hạng Anh, từ một sản phẩm bóng đá đơn thuần trở thành một con quái vật khổng lồ, mang đẳng cấp toàn cầu ở 3 phương diện thể thao, kinh doanh và giải trí”.

Phải là kinh doanh thực sự

So sánh Giải Ngoại hạng Anh với bóng đá Việt Nam đương nhiên khập khiễng, thậm chí là lố bịch. Nhưng nhắc đến sự phát triển của họ để nhấn mạnh rằng, bóng đá Việt Nam muốn tồn tại và phát triển thì phải đi theo hướng kinh doanh. Mà là kinh doanh thực sự, tạo ra một “sản phẩm” đảm bảo các tiêu chí thu hút nhất.

Những gì xảy ra gần đây ở câu lạc bộ Cần Thơ là một câu chuyện buồn. Phù Đổng cũng đang bấp bênh. Nguy cơ phải giải thể giống Than Quảng Ninh cách đây 1 năm đang hiển hiện. Và từ giải thể giống như… “giá treo cổ”, sẵn sàng điền tên bất kỳ câu lạc bộ nào, kể cả thời điểm này đang được cho là ổn định và khá về kinh tế.

Đơn giản bởi, các câu lạc bộ vẫn đang sống dựa vào những ông bầu, các doanh nghiệp, chứ không thể tự mình nuôi sống mình. Vì sao? Vì thứ bóng đá ở V.League trong nhiều năm qua chỉ để lại dấu ấn về những chuyện tiêu cực. Cũng như bóng đá Anh của những năm 1980 bị coi là “nỗi hổ thẹn” của quốc gia vậy.

Kinh doanh bóng đá là sự kết hợp của nhiều yếu tố, xuất phát từ bóng đá thuần chất, mang tính giải trí, tạo ra sức hút, để đẩy mạnh vấn đề bản quyền truyền hình, tăng thu nhập cho câu lạc bộ. Sản phẩm không chất lượng, đương nhiên khó có thể bán.

Kinh doanh là những thứ liên quan đến sản phẩm của chính đội bóng (thương hiệu, hình ảnh, vé, trang phục, đồ lưu niệm…); là công tác truyền thông, là mọi thứ liên quan, với những thay đổi từ chính các đội bóng. Các câu lạc bộ ở Việt Nam thường không có giám đốc kinh doanh, bộ phận marketing, bỏ bẵng mảng kinh doanh, chỉ tập trung vào chuyên môn.

Đã có một số nỗ lực thay đổi nhưng là không đủ, bởi thay đổi cần sự đồng lòng của cả hệ thống. Tất nhiên, sẽ mất một thời gian dài để thấy được hiệu quả, nhưng không thay đổi thì thật khó để trả lời câu hỏi bao giờ bóng đá Việt Nam mới có thể kinh doanh thực sự và “sống tốt”.

TAM NGUYÊN