Dòng tiền eo hẹp, sắc đỏ bao trùm, VN-Index giảm gần 29 điểm
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 15:55, 19/09/2022
Chốt phiên 19/9, chỉ số VN-Index giảm 28,6 điểm xuống 1.205,43 điểm. Đa số các cổ phiếu giảm giá. Trong nhóm VN30 có tới 27 mã giảm, không ít cổ phiếu giảm mạnh như: Bảo Việt (BVH) giảm 2.900 đồng xuống 53.100 đồng/cp; GVR giảm sàn; PDR giảm 2.500 đồng xuống 51.000 đồng/cp; BIDV giảm hơn 1.300 đồng xuống 34.200 đồng/cp.
Vietcombank giảm 1.200 đồng xuống 78.800 đồng/cp; Vinhomes giảm 1.200 đồng 58.400 đồng/cp...
Thị trường giảm điểm mạnh trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về triển vọng của nền kinh tế và doanh nghiệp sau khi đón nhận các thông tin không mấy tích cực từ các chuyên gia và nhà quản lý tại Diễn đàn Kinh tế Xã hội 2022 cuối tuần qua, ở vào thời điểm Quốc hội đang chuẩn bị tổ chức Kỳ họp thứ 4 để xem xét, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng về kinh tế-xã hội...
Tại diễn đàn, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN sẽ nỗ lực đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN sẽ không nới thêm tăng trưởng tín dụng.
Trên thực tế, đây là mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2021 (13,61%) và năm 2020 (12,17%). Tuy nhiên, gần đây nhiều ngân hàng và doanh nghiệp, trong đó chủ yếu doanh nghiệp bất động sản mong muốn có thêm dư địa cho hoạt động cho vay-đi vay.
Thị trường tài chính thế giới đang ở trong tình trạng căng thẳng khi lạm phát ở nhiều nền kinh tế phát triển lên đến 9-10%, ngưỡng cao nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Theo NHNN, mục tiêu quan trọng nhất là góp phần kiểm soát lạm phát, an toàn cho hệ thống ngân hàng, thanh khoản các thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Lạm phát tại Việt Nam hiện không cao, tới tháng 8 tăng 3,6% so với đầu năm. Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong các tháng còn lại của năm thường lớn và thế giới đang vật lộn với tình trạng giá cả tăng mạnh.
Nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại cho TTCK với định hướng chính sách giữ ổn định tỷ giá. Chuyên gia Trương Văn Phước cho rằng Việt Nam cần giữ cho bằng được ổn định tỷ giá để chống lạm phát.
Nhiều chuyên gia cũng ủng hộ hai quan điểm này.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ (CIEM) cũng cảnh báo rằng, dòng vốn tháo chạy sẽ mạnh mẽ nếu nới lỏng hơn nữa tỷ giá. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ việc bơm tiền vào nền kinh tế, cũng như có thể sẽ tăng lãi suất hoặc/và tiếp tục bán ra thêm đồng USD. Dòng tiền trên thị trường sẽ không dồi dào, qua đó có thể tác động tiêu cực tới TTCK.
Theo Maybank Việt Nam, VN-Index có thêm một phiên giao dịch khó khăn từ khi chịu tác động từ các tin tức vĩ mô. Maybank duy trì quan điểm thận trọng trong thời gian tới, trước áp lực vẫn còn lớn từ bên bán trong ngắn hạn.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng đồ thị giá của VN-Index có thể giảm về vùng 1.210-1.215 điểm.
Trên thế giới, chứng khoán Mỹ trong tuần qua tiếp tục giảm. Giá dầu trong khi đó giảm do giới đầu tư lo ngại kinh tế thế giới suy thoái.
Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 16/9 lần đầu tiên đưa ra cảnh báo về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm tới do ảnh hưởng của làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh chưa từng có trong 50 năm qua nhằm chống kiềm chế lạm phát.
Theo ước tính của WB, GDP toàn cầu trong năm 2023 chỉ tăng 0,5% nhưng GDP bình quân đầu người lại giảm 0,4%. Xét về tổng thể, đây sẽ là một cuộc suy thoái toàn cầu sau năm tăng trưởng kỷ lục 2021 nhờ thế giới ồ ạt bơm tiền sau đại dịch Covid.
Tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo tụt giảm khi giới đầu tư đánh cược vào khả năng ngân hàng trung ương các nước nâng lãi suất điều hành hầu hết lên mức 4% trong năm tới, gấp đôi mức trung bình trong 2021, chỉ để giữ lạm phát lõi ở mức 5%. Lãi suất thậm chí có thể lên tới 6% nếu NHTW các nước muốn đưa lạm phát về mức mục tiêu (Mỹ và châu Âu là 2%).